“Văn phòng Tổng Công tố liên bang đã mở cuộc điều tra về vụ trùm ma túy Ismael El Mayo Zambada bị bắt, trong đó có thông tin về chuyến bay tới Mỹ và các chi tiết khác”, Bộ trưởng An ninh Mexico Rosa Icela Rodriguez ngày 29/7 thông báo.
Tuyên bố được bà Rodriguez đưa ra sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo đã bắt Zambada cùng Joaquin Guzman Lopez, khoảng 38 tuổi, ông trùm khác của băng đảng Sinaloa khét tiếng ở miền bắc Mexico.
Rodriguez cho hay các quan chức Mỹ thông báo họ chỉ biết trước khoảng hai giờ về việc Zambada cùng Joaquin lên một chiếc máy bay tư nhân tới sân bay gần El Paso, bang Texas, Mỹ, cuối tuần trước.
“Phía Mỹ nói rằng họ không lên kế hoạch tổ chức chuyến bay”, Bộ trưởng An ninh Mexico cho hay, thêm rằng FBI chỉ nắm được việc Joaquin trước đó đã lên kế hoạch ra đầu thú.
Thông tin từ bà Rodriguez càng củng cố thêm giả thuyết rằng Zambada, 76 tuổi, đã bị Joaquin phản bội. Joaqin là con trai của trùm ma túy Joaquin “El Chapo” Guzman Loera, người đã cùng Zambada sáng lập băng đảng Sinaloa. Sau khi “El Chapo” bị bắt và thụ án chung thân ở Mỹ, Zambada trở thành ông trùm quyền lực nhất băng đảng.
Bộ trưởng Rodriguez cho biết theo thông tin bà nhận được từ Washington, chính quyền Mỹ đã nhiều lần được thông báo rằng Joaquin đang cân nhắc việc tới Mỹ nộp mình bằng máy bay tư nhân.
Các quan chức FBI ban đầu nói rằng Joaquin đã lừa Zambada lên máy bay bằng cách nói với ông ta họ đang tới xem bất động sản ở phía bắc Mexico, rồi cho phi cơ hạ cánh ở Texas, nơi các đặc vụ FBI chờ sẵn.
Tuy nhiên, Frank Perez, luật sư của Zambada, bác bỏ thông tin này, cho hay thân chủ của mình đã bị con trai “El Chapo” bắt cóc đem tới Mỹ. Perez nói rằng Joaquin cùng 6 đàn em trong trang phục dã chiến đã phục kích Zambada gần thành phố Culiacan ở bang Sinaloa, ép ông ta lên máy bay tới Mỹ. Zambada đã trình diện tại tòa án Texas và bác bỏ mọi cáo buộc.
Các quan chức FBI sau đó đã thẩm tra lại lời khai của Joaquin và những người liên quan, rồi đưa ra thông tin trái ngược với câu chuyện ban đầu.
Theo đó, Zambada đã rời nơi trú ẩn trên núi hồi tuần trước để dự một “cuộc họp hữu nghị” với Joaquin và bị đàn em của anh ta phục kích tại Culiacan, ba quan chức hành pháp giấu tên của Mỹ cho hay. Joaquin sau đó đưa Zambada lên chiếc máy bay Beechcraft King Air, thông báo cho FBI về việc đầu thú cùng ông trùm, rồi cho phi công hạ cánh tại sân bay ở El Paso.
Theo Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA), Joaquin cùng ba anh em trai đã tham gia vào cuộc đấu đá nội bộ chống lại bậc cha chú Zambada để tranh giành quyền lực trong băng đảng Sinaloa. Những cuộc chiến nội bộ như vậy thường rất đẫm máu và bên thất thế sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề.
Mexico đã tuyên bố không liên quan vụ bắt Zambada. Ông trùm này là mục tiêu hàng đầu của cơ quan hành pháp Mỹ suốt nhiều thập kỷ, với khoản tiền thưởng lên tới 15 triệu USD cho người cung cấp manh mối bắt giữ.
Một số chuyên gia cho rằng Joaquin bắt cóc Zambada mang tới Mỹ để “lập công chuộc tội” và hưởng các điều khoản khoan hồng hơn. “Họ nhận ra cách này có thể giúp họ có thời gian tận hưởng cuộc sống mà không phải lo lắng suốt quãng đời còn lại”, Matthew Allen, cựu đặc vụ Mỹ từng phụ trách truy tố nhiều thành viên Sinaloa, nói.
Ngọc Ánh (Theo AFP)