Nhà sưu tập hóa thạch Eddie Templeton bắt gặp chiếc ngà voi bị chìm một phần dưới nước và mắc kẹt trong bùn sình ở lòng suối khi đang đi bộ ở vùng hoang dã của quận Madison, bang Mississippi, hồi đầu tháng 8, theo Live Science. Ông liên lạc với Cơ quan khảo sát địa chất bang Mississippi để họ khai quật hóa thạch.
Các nhà khoa học khảo sát chiếc ngà voi dài 2 mét, nặng 270 kg gần như nguyên vẹn hoàn toàn và xác nhận nó thuộc về voi ma mút Columbia (Mammuthus columbi). “Khi biết đó là ngà voi ma mút mà không phải loài voi răng mấu, tôi thậm chí còn phấn khích hơn. Tôi luôn hy vọng tìm thấy hóa thạch voi ma mút nhưng thứ đó khá hiếm ở đây”, Templeton chia sẻ.
James Starnes, nhà địa chất học ở Cơ quan chất lượng môi trường bang Mississippi (MDEQ), chia sẻ ngà voi trong vùng thường không ở trong tình trạng bảo quản tốt. Hóa thạch những loài họ hàng voi ma mút như voi răng mấu Mỹ (Mammut americanum) được tìm thấy trên khắp Mississippi bởi chúng ăn nhiều thực vật đa dạng và sống trong một số môi trường khác nhau, nhưng voi ma mút kén chọn hơn, chỉ gặm cỏ trên đồng cỏ rộng. Kết quả là chỉ có hai khu vực tại địa phương mà chúng có thể tồn tại.
Voi ma mút Columbia sống vào thế Canh Tân (cách đây 11.700 – 2 triệu năm) và vượt qua cầu cạn Bering để tiến vào Bắc Mỹ khoảng 1,5 triệu năm trước, theo Cục vườn quốc gia (NPS). Loài vật này có thể cao tới 4,5 m tính đến vai và nặng 9 tấn.
Voi ma mút lang thang khắp Bắc Mỹ vào kỷ băng hà cuối cùng. Khi sông băng tan chảy, môi trường sống của chúng thu hẹp. Kết hợp với hoạt động săn bắn của con người, điều này đẩy chúng tới bờ tuyệt chủng. Voi ma mút Columbia diệt vong cách đây 11.000 – 13.000 năm trong khi họ hàng của chúng là voi ma mút lông xoăn (Mammuthus primigenius) tồn tại thêm 6.000 năm nữa. Những con voi ma mút lông xoăn cuối cùng sống trên đảo Wrangel, một hòn đảo của Nga ngoài khơi Alaska khoảng 3.700 năm trước.
An Khang (Theo Live Science)