Biểu giá vàng miếng của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lên mức 78 – 80 triệu đồng mỗi lượng, tăng 1,5 triệu ở hai chiều mua bán. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá kim loại quý lên ngang mức của SJC.
Ngưỡng 80 triệu đồng cũng là mức bán ra trên thị trường cao nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng bình ổn từ đầu tháng 6. Theo quy định, 4 ngân hàng quốc doanh và SJC được phép bán chênh tối đa 1 triệu đồng so với giá họ mua từ Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, mức bán ra từ cơ quan quản lý cho các đơn vị kinh doanh khoảng 79 triệu đồng một lượng.
Tương tự vàng miếng, giá nhẫn trơn 24K cũng bật tăng. Mỗi lượng vàng nhẫn tại SJC đắt thêm 300.000 đồng, lên 76,6 – 77,9 triệu đồng. Loại này tại một số doanh nghiệp kinh doanh khác cũng quanh 78 triệu đồng một lượng.
Đà tăng của giá vàng trong nước cùng chiều với giá thế giới. Chốt phiên 12/8, giá vàng thế giới giao ngay tăng 42 USD, lên 2.472 USD một ounce – mức cao nhất từ đầu tháng. Mở cửa phiên sáng nay, kim loại quý giảm nhẹ về 2.466 USD một ounce. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (25.290 đồng đổi 1 USD), mỗi lượng vàng trên thị trường thế giới giao dịch gần 75,2 triệu đồng. Chênh lệch giá trong nước và thế giới hiện gần 5 triệu mỗi lượng.
Thực tế, nhu cầu mua vàng trong nước vẫn ở mức cao. Lượt đăng ký của các ngân hàng quốc doanh và SJC vẫn trong tình trạng “kín chỗ” chỉ sau ít phút đầu giờ. Giữa tuần trước, Vietcombank và VietinBank thông báo lùi thời gian giao vàng miếng cho khách hàng. Người mua sẽ nhận vàng miếng sau 2 ngày làm việc kể từ thời điểm đăng ký và giao dịch thành công. Theo Vietcombank, việc thay đổi này do quy trình vận chuyển, giao nhận và quản lý vàng miếng. Agribank, BIDV và SJC chưa có thông báo thay đổi, vẫn áp dụng cách đặt lịch online và giao vàng trong ngày khi giao dịch thành công.
Trước đó, đầu tuần trước SJC thông báo mua lại vàng miếng một chữ và móp méo, sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức gia công với số vàng tồn kho.
Minh Sơn