Năm ngoái, 165.000 visa lao động phổ thông đã được cấp, gấp đôi năm 2022. Khi dân số giảm, 89 trong số 228 quận hành chính của Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ. “Họ không có đủ người để tạo ra một chính quyền địa phương”, Choi Hyunsun, giáo sư quản lý công của Đại học Myongji, nói.
Dưới ảnh hưởng của suy giảm dân số, giai đoạn 2017-2022, 193 trường học ở Hàn Quốc đã đóng cửa, gần 90% trong số đó nằm ngoài khu vực Seoul.
Trong khi đó, người trẻ đổ xô đến Seoul để tìm kiếm cơ hội tốt hơn, họ buộc phải phải trì hoãn việc kết hôn và sinh con. Năm ngoái, Hàn Quốc ghi nhận con số kỷ lục 92.000 người đã chuyển đến Seoul vì lý do học tập.
Giai đoạn 2015-2021, người trẻ (15-34 tuổi) chiếm 78,5% số người di cư đến thủ đô, ngay cả những người tốt nghiệp ở khu vực nông thôn cũng có ít động lực để ở lại bởi cơ hội việc làm ít.
Ông Yoon Chang-joong, 76 tuổi, nói ở vùng nông thôn Maegok-ri nơi mình sống, độ tuổi trung bình của cư dân là trên 65 bởi hầu hết người trẻ đã rời đi. Làng chỉ còn một gia đình có trẻ nhỏ.
Năm ngoái, Yoon bị viêm phổi nhưng không có ôtô, ông mất hai giờ để đến bệnh viện bằng xe buýt. Vùng nông thôn luôn kém về cơ sở hạ tầng, giao thông công động, dịch vụ y tế, giáo dục hơn Seoul. Điều này làm tăng sức hấp dẫn của thủ đô và duy trì tốc độ giảm dân số ở những nơi khác.
Ở Ansan, ông Park Jung-ryul, 73 tuổi, phải làm việc từ sáng sớm đến khuya bởi không thể tìm được người làm thuê. Người trẻ nhất ở làng ông đã 60 tuổi.
Cũng ở thành phố này, Bon Tai – một lao động nhập cư người Campuchia đã tìm được ông chủ dễ tính là Ji Tae-seung. “Tất cả nhân công ở trang trại đều là lao động nhập cư bởi không có người Hàn Quốc làm công việc này”, ông Ji nói.
Với những người Hàn Quốc trẻ tuổi, mục tiêu của họ là Seoul. Min Sangki, 35 tuổi, từng là giáo viên tiểu học, chuyển đến thành phố để làm IT. Anh đã tìm kiếm việc làm ở tỉnh Gwangju nhưng thất bại. Ở thủ đô, anh sống trong căn phòng 3,5 m2 loại dành cho các sinh viên đang ôn thi.
“Với số tiền này, ở quê tôi có thể thuê căn nhà rộng gấp 10”, anh nói. “Nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào”. 60% công ty lớn ở Hàn Quốc đều nằm ở Seoul.
Kim Heda, 31 tuổi, là nhà thiết kế thời trang lớn lên ở vùng nông thôn Gangwon, có cùng lý do. Seoul cho cô thấy bức tranh của những con người chăm chỉ, đèn sáng suốt đêm khiến cô hình thành tư duy “ngủ ít để đạt được nhiều thứ hơn”.
Hiện tại, cô vẫn thấy áp lực sau 11 năm sống ở Seoul, dù đã hoãn việc kết hôn, sinh con. Trong thập kỷ qua, tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc đã giảm 40% và mức sinh ở Seoul đạt 0,55 thấp nhất cả nước.
Nhưng câu chuyện nhân khẩu học không chỉ nằm ở Seoul mà còn tại các thành phố khác như Incheon hay Gyeonggi, chiếm 1/8 diện tích đất nước nhưng chứa hơn một nửa dân số.
Khi cha mẹ của Lee Dong-hyun gửi anh từ Gangwon đến trường trung học ở Gyeonggi, họ hy vọng anh sẽ đỗ vào đại học. Giờ đây, anh 19 tuổi, là sinh viên Đại học Hàn Quốc nhưng vẫn thấy mình là kẻ thất bại bởi nhiều bạn học đã được nhận làm việc ở Seoul.
Để chống lại sự “biến mất” của các vùng nông thôn, chính phủ Hàn Quốc đã chi 740 triệu USD mỗi năm, trong vòng 10 năm để thu hút người trẻ đến sinh sống và làm việc.
Chính quyền ở nhiều địa phương đã đề xuất nhiều dự án khác nhau để thúc đẩy du lịch, thu hút các công ty, cải tạo nhà cũ và xây dựng cơ sở giáo dục.
Tổng thống Yoon đang thành lập bộ phận kế hoạch và chiến lược dân số để giải quyết tỷ lệ sinh thấp và dân số lão hóa. Kể từ năm 2022, chính phủ Hàn Quốc đã cấp tiền thưởng sinh con lên tới 1,423 USD cho mỗi đứa trẻ được sinh ra.
Ngọc Ngân (Theo CNA)