Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Cảnh chật vật của gia đình ‘cả nhà cùng ở viện’

Ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội), ông Ái, 73 tuổi, chịu trách nhiệm ở vòng ngoài để mua đồ ăn, lo giấy tờ nhập viện hoặc vay mượn tiền viện phí. Vợ ông túc trực trong phòng bệnh cùng con trai. Con gái lớn 15 tuổi cả ngày quanh quẩn ngoài hành lang, chờ đến giờ được vào thăm bệnh nhân để gặp em trai.

“Mới ngày nào cả gia đình tôi còn vui mừng đưa con út học lớp 1, chẳng thể ngờ có lúc cả gia đình lại rồng rắn theo con vào viện”, ông Ái ở phường Đồng Hải, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình kể.

Ông Hoàng Việt Ái và vợ Nguyễn Thị Thơm ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội để chăm con trai bị u não trán trái, chiều 14/9. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Ông Hoàng Việt Ái và vợ Nguyễn Thị Thơm ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội để chăm con trai bị u não trán trái, chiều 14/9. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Ông Ái là thương binh hạng 3/4. Năm 1974 ông xuất ngũ sau lần bị thương nặng khiến sức khỏe giảm sút 65%. Năm 2006, ông nên duyên với người vợ tên Nguyễn Thị Thơm và có với nhau hai người con sinh năm 2009 và 2013. Chồng là thương binh, vợ sức khỏe yếu, không thể làm việc nặng khiến toàn bộ thu nhập của cả gia đình bốn người chỉ trông chờ vào ba triệu đồng tiền trợ cấp thương binh. Muốn thêm tiền lo cho hai con ăn học, hai vợ chồng tận dụng mảnh vườn nhỏ trước nhà để trồng rau, nuôi thêm gà, vịt.

Kinh tế không dư dả nhưng ông động viên vợ cả gia đình được luôn quây quần bên nhau là đủ.

Ngoài lo chi phí sinh hoạt, người đàn ông 73 tuổi vẫn dành dụm một khoản tiền nhỏ cho tương lai. Ông nói gần 60 tuổi mới có con đầu lòng, sức khỏe lại yếu, không thể để vợ một mình gồng gánh nếu cho chuyện bất trắc.

Giữa năm 2023, con trai Hoàng Việt Nghĩa bất ngờ kêu đau kèm run một bên tay nhưng đi khám ở gần nhà không ra kết quả. Đến tháng 10, những cơn đau đầu kèm buồn nôn dữ dội liên tục xuất hiện buộc gia đình đưa cậu bé đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba ở Đồng Hới để kiểm tra. Kết quả chụp MRI phát hiện một khối u ở não trái độ cao, hướng tới u thần kinh đệm (một dạng ung thư não). Đến tháng 12/2023 bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật tại bệnh viện, xuất viện được tiếp tục theo dõi.

Tưởng sau lần về nhà này sức khỏe của con trai sẽ dần hồi phục thì đến mùng 2 Tết, Việt Nghĩa lại lên cơn đau đầu, buộc gia đình phải đưa vào viện cấp cứu. Thấy tình hình chuyển biến xấu, bệnh nhi được chỉ định ra điều trị tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều phẫu thuật gấp. 10 ngày sau, cậu bé bắt đầu được xạ trị buộc vợ chồng ông Ái lại dắt díu nhau vào viện chăm con.

Với người đàn ông 73 tuổi, đó là những ngày tháng chiến đấu không mệt mỏi. Thời gian điều trị nội trú, ông Ái thuê phòng trọ ở sát bệnh viện, giá 200.000 đồng một đêm, khi vợ con cần giúp đỡ sẽ chạy vào. Vợ ở trong viện ngày đêm túc trực, không dám ngủ, phòng trường hợp bệnh tình con trai chuyển biến xấu.

Đến tháng 5/2024, bệnh nhi được điều trị ngoại trú, tháng một lần gia đình bốn người lại từ Quảng Bình bắt ra Hà Nội tái khám. Lần ra viện thứ hai, vợ chồng ông Ái chỉ biết cầu trời, mong mọi việc sẽ ổn hơn khi sức khỏe con dần hồi phục.

Gia đình được hưởng bảo hiểm nhưng 20% phải chi trả vẫn là con số quá lớn. Lúc nào vợ chồng ông Ái cũng căng như dây đàn để lo tiền đi viện cho con. Thấy chi phí điều trị trong gần một năm của Việt Nghĩa trong gần một năm lên tới gần 300 triệu đồng, khiến mỗi lần từ viện trở về, vợ chồng ông Ái lại lao ra vườn rau gieo trồng, nuôi thêm gà, vịt, mong có thêm thu nhập, bù vào khoản tiền đã vay.

Vợ chồng ông Ái ở túc trực ở phòng bệnh để chăm sóc con trai Hoàng Việt Nghĩa bị u não trán trái, chiều 14/9. Ảnh: Gia đình cung cấp

Vợ chồng ông Ái ở túc trực ở phòng bệnh để chăm sóc con trai Hoàng Việt Nghĩa bị u não trán trái, chiều 14/9. Ảnh: Gia đình cung cấp

Những ngày đầu tháng 9, phát hiện khối u trong não bệnh nhi có dấu hiệu bất thường, yêu cầu phẫu thuật mổ hộp sọ để can thiệp của bác sĩ khiến gia đình ông Ái rụng rời chân tay.

“Thằng bé mới 11 tuổi mà phải trải qua ba cuộc đại phẫu, không biết sức nào mà chịu nổi”, ông nói.

Một tuần trước khi Việt Nghĩa làm phẫu thuật, em xin bố mẹ cho gặp chị gái đang học lớp 10 ở quê bởi nhớ. Nghe tin, Hoàng Việt Tình, 15 tuổi, tức tốc bắt xe ôtô ra gặp em trai. Mỗi ngày nữ sinh đều túc trực ở phòng bệnh, hỗ trợ mẹ chăm em.

Sau phẫu thuật, thấy sức khỏe của em ổn định hơn, cô bé lại nịnh em cố gắng ở viện điều trị cùng bố mẹ, còn mình tự về quê. Cô bé biết nhà cửa, ruộng vườn không ai trông nom trong khi bản thân chuẩn bị vào năm học mới.

Những ngày ở viện, cậu bé 11 tuổi liên tục hỏi mẹ bao giờ được ra viện bởi em nhớ nhà, nhớ bạn bè và muốn được đến trường.

Câu hỏi của con trai khiến vợ chồng ông Ái lúng túng. Nếu bảo “sắp được về” là họ đang nói dối con bởi bác sĩ còn chưa dám chắc phác đồ điều trị sẽ kéo dài bao lâu. Còn nếu nói thật, không biết con trai có chịu nổi cú sốc này không. Cuối cùng họ đành chọn cách động viên, hứa khi nào con hết bệnh cả gia đình sẽ cùng về nhà và sống những ngày tháng như xưa.

“Tốn bao nhiêu tiền, vất vả bao nhiêu vợ chồng tôi cũng phải gắng sức cứu con”, ông Ái nói.

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng, với sự đồng hành của FPT Long Châu.

Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.

Quỳnh Nguyễn


Leave a Comment

0.0/5