Anh cũng không phải là thường trú nhân (PR) nên không được hưởng chế độ giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở. Mẹ Rafiezuwan cũng là người không quốc tịch. Khi con chào đời, bà cho một cặp vợ chồng vô sinh ở Clementi.
Cha mẹ nuôi ngoài 50 tuổi, yêu thương Rafiezuman như con đẻ nhưng họ không biết cách đăng ký cho anh đi học khi không có giấy tờ tùy thân.
Cha mẹ nuôi cố xin người thân của Rafiezuman giấy khai sinh cho anh trong thời gian mẹ ruột bị giam nhưng không được. Bản trích lục khai sinh của Rafiezuwan có dòng chữ: “Đứa trẻ này không phải là công dân Singapore vào thời điểm sinh ra”.
Sau một lần làm việc với cảnh sát năm 2019, anh được hướng dẫn cấp thẻ đặc biệt và một bản trích lục giấy khai sinh. Nhưng các ngân hàng cho biết anh không thể mở tài khoản vì không có hộ chiếu và bằng chứng về nơi cư trú.
Sau một thời gian ngắn làm nhân viên kho, anh nộp đơn xin làm nhân viên vệ sinh tại ba công ty khác nhau. Công ty đầu tiên không dám tuyển dụng người không quốc tịch. Công ty thứ hai nói với anh rằng họ “không có đủ hạn ngạch để tuyển dụng người không quốc tịch”. Anh đang chờ phản hồi từ công ty thứ ba.
“Bố mẹ tôi đã già và có vấn đề về sức khỏe. Tôi muốn làm việc và kiếm tiền để có thể giúp đỡ họ. Nhưng thật khó thuyết phục mọi người thuê tôi”, anh nói.
Rafiezuwan là một trong hơn 850 người không quốc tịch ở Singapore, tính đến hết năm 2023.
Số liệu thống kê từ Bộ Nội vụ Singapore (MHA), cho biết 76% có tư cách thường trú nhân và có thể hưởng trợ cấp trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nhà ở và giáo dục. Rafiezuwan nằm trong số 24% còn lại, được Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp thẻ đặc biệt cho phép sống hợp pháp tại Singapore. Anh phải gia hạn thẻ của mình hàng năm.
Theo Bộ Nội vụ Singapore, có nhiều lý do khiến một người không quốc tịch: từ bỏ quốc tịch, mất hoặc bị tước vì vi phạm pháp luật.
“Những người khác có thể được sinh ra ở đây nhưng không đủ điều kiện nhập quốc tịch Singapore khi sinh ra vì cha mẹ họ không phải là công dân Singapore và không xin quốc tịch cho con cái họ ở quê hương”, Bộ này giải thích.
Ông Phua, 73 tuổi, cũng ở tình huống tương tự. Ông sống ở Singapore 65 năm nhưng không có quốc tịch và không có quyền thường trú.
Năm 1959, ông cùng mẹ và ba người anh em đến Singapore để trốn chạy nạn bạo lực chủng tộc. Sau này, người thân đều đến chính quyền đăng ký danh tính. Ông Phua không đi vì gia đình muốn “giữ” một người Indonesia gốc để sau này có thể trở về quê cũ.
Trớ trêu thay, ước muốn lớn nhất của Phua là có thể về thăm quê, lại không có hộ chiếu. Ông đã nộp đơn xin cấp tư cách thường trú nhân ba lần nhưng chưa thành công.
Ông được phân loại là người không quốc tịch và được cấp thẻ đặc biệt vào đầu những năm 2000. Dù vậy, Phua vẫn được hỗ trợ tài chính khi thất nghiệp trong đại dịch vì Covid-19.
Rafiezuwan đang nuôi hy vọng được nhập ngũ để tăng cơ hội thường trú nhân hoặc quyền công dân. Anh cũng hy vọng có được việc làm và tiếp tục làm việc để chứng minh có ích cho xã hội.
“Tôi muốn kết hôn. Tôi muốn con tôi trở thành một người tốt hơn và thông minh hơn. Không ngu ngốc như tôi”, chàng trai luôn tự ti vì không được đến trường, nói.
Nhật Minh (Theo Straitstimes)