Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Số phận trái ngược của hai anh em ‘người hùng và ác quỷ’

Gia đình Stayner sống ở thị trấn hẻo lánh Merced, gần Công viên Quốc gia Yosemite, California. Trong mắt bạn học cũ, Cary là một “chàng trai tốt”, trầm tính, yêu mến em trai kém 4 tuổi Steven, thường đưa đi chơi cùng và giúp bố mẹ trông em.

Cuộc đời hai cậu bé rẽ ngoặt khi người đàn ông tên Kenneth Parnell xuất hiện. Anh ta làm việc tại nhà nghỉ Yosemite Lodge, cách nhà Stayner khoảng hai giờ lái xe.

Ngày 4/12/1972, Kenneth rủ đồng nghiệp Ervin Murphy lái chiếc Buick màu trắng vào thị trấn Merced. Steven, 7 tuổi, đang đi bộ từ trường về nhà thì đụng độ bộ đôi, bị dụ vào xe và bắt cóc.

Kenneth dừng xe, đi đến bốt điện thoại công cộng, sau đó quay lại và nói với Steven: “Tôi vừa nói chuyện với bố mẹ cháu, họ không cần cháu nữa”.

Không thấy Steven về nhà, bố mẹ cậu báo cảnh sát. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm không có kết quả, để lại nỗi đau dai dẳng cho gia đình Stayner.

Trong nhiều năm, Kenneth đưa Steven đi khắp California, đặt cho cậu bé tên mới là Dennis Parnell và cho đi học, ban ngày hắn đóng giả làm bố của Steven nhưng xâm hại cậu bé vào ban đêm. Dẫu phải chịu đựng nỗi kinh hoàng về thể chất và tinh thần trong nhiều năm, nhìn bề ngoài, Steven vẫn là chàng trai vui vẻ, sôi nổi và có bạn gái ở trường.

Khi Steven là học sinh năm nhất tại trường trung học Mendocino, cách nhà khoảng 480 km, anh trai Cary là học sinh cuối cấp tại trường trung học Merced. Lớn lên với mác “đứa trẻ có em trai bị bắt cóc”, Cary có khoảng thời gian khó khăn trong suốt thời thơ ấu, trở thành người cô độc đáng sợ. Tâm lý của Cary cũng bất ổn, thể hiện qua hành vi phô bày cơ thể trước mặt nữ sinh, cố gắng tiếp cận phụ nữ nhưng không thể phát triển bất kỳ mối quan hệ cá nhân nào với họ.

Năm Steven 14 tuổi, cậu bé đã bị Kenneth lạm dụng và thao túng trong 7 năm. Lúc này, cả hai cùng nhận ra Steven đã lớn và sẽ không còn bị Kenneth kiểm soát nữa. Kenneth muốn một đứa trẻ khác nhỏ hơn.

Tháng 2/1980, Kenneth trả tiền cho một thiếu niên đi cùng mình đến thị trấn nhỏ Ukiah ở California, bảo đối phương ra đường tìm một cậu bé về cho hắn. Timothy White, 5 tuổi, đang đi bộ từ trường về nhà, lọt vào tầm ngắm.

Trong hai tuần, chứng kiến Timothy phải chịu cảnh chia cắt với gia đình, Steven quyết định kể cho bạn gái chuyện xảy ra và nói: “Mình sẽ không để đứa trẻ đó phải trải qua những gì mình đã trải qua. Nếu giờ mình mặc kệ, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn”.

Ngày 1/3/1980, Steven đợi Kenneth đi làm rồi bỏ trốn cùng Timothy. Cả hai đi nhờ xe đến Ukiah, nhưng trời tối và cậu bé 5 tuổi không thể nhớ mình sống ở đâu. Vì vậy, Steven nghĩ tốt nhất là đưa Timothy đến đồn cảnh sát.

Steven giải thích cho cảnh sát những gì đã xảy ra với mình và Timothy, đồng thời cho họ biết tên thật là Steven, không phải Dennis. Câu nói “Tôi biết tên tôi là Steven” đã trở thành khoảnh khắc mang tính biểu tượng nhất trong câu chuyện của Steven, sau này trở thành tựa sách và phim truyền hình.

Steven được cả nước ca ngợi là người hùng, được đưa trở lại quê nhà trước sự chứng kiến của đông đảo người dân và truyền thông. Vài ngày sau, cậu xuất hiện trên chương trình Good Morning America. Steven chia sẻ rằng thấy “tuyệt vời” khi được về nhà, bố mẹ “không thay đổi nhiều”, nhưng không thể nhận ra các anh chị em.

Tại cuộc họp báo bên ngoài nhà Stayner, mọi người đều hân hoan, nhưng Cary đội mũ bóng chày đứng phía sau và không hề cười chút nào.

Steven Stayner (phải) trong ngày đoàn tụ cùng gia đình, Cary Stayner đội mũ đứng phía sau. Ảnh: Hulu

Steven Stayner (phải) trong ngày đoàn tụ cùng gia đình, Cary Stayner đội mũ đứng phía sau. Ảnh: Hulu

Lúc này, Cary có mối quan hệ rất kỳ lạ với cậu em đang nhận được tất cả sự chú ý. Hai anh em ở chung phòng nhưng không hòa hợp. Steven cũng gặp khó khăn ở trường trung học, bị bắt nạt, công kích giới tính vì nhiều năm chịu ngược đãi. Ngoài ra, Steven còn phải đối mặt với Kenneth trước tòa.

Kenneth bị kết tội bắt cóc và giam cầm trái pháp luật. Hắn bị kết án bảy năm tù nhưng chỉ phải thụ án năm năm – ít hơn thời gian hắn giam cầm Steven. Sau khi được tự do, Kenneth lại “ngựa quen đường cũ”. Hắn thuê người giúp tìm một cậu bé khác, sau đó bị bắt và bỏ tù năm 2003. Kenneth chết trong tù vào năm 2008 khi thụ án chung thân, ở tuổi 76.

Trong khi Steven đang vật lộn trở lại cuộc sống bình thường, Cary bỏ học cấp ba, lang thang ở Công viên Quốc gia Yosemite, khỏa thân và hút cần sa.

Bi kịch thay, Steven thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe năm 1989 ở tuổi 24, để lại vợ và hai con. Không lâu sau, người chú thân thiết với Cary bị bắn chết trong ngôi nhà họ sống chung. Cary đau khổ, bị suy nhược thần kinh và trở nên khá bạo lực. Nhưng thay vì tìm cách điều trị sức khỏe tâm thần, anh ta chỉ tìm nơi trú ẩn ở Yosemite.

Năm 1997, Cary làm thợ sửa chữa tại nhà nghỉ Cedar Lodge, cách cổng công viên quốc gia hơn 11 km.

Tháng 2/1999, Carole Sund (42 tuổi), con gái Juli Sund (15 tuổi) và bạn Silvina Pelosso (16 tuổi) ở lại Cedar Lodge một đêm trong chuyến leo núi. Đêm đó, Cary lấy cớ sửa một chỗ bị rò rỉ để vào phòng của họ, rồi tấn công tình dục và sát hại cả ba.

Sau cuộc tìm kiếm quy mô lớn ở Yosemite, thi thể của cả ba phụ nữ được phát hiện trong một chiếc xe bị thiêu rụi giữa rừng, ngày 19/3.

Thi thể nạn nhân được tìm thấy trong cốp chiếc xe bị cháy. Ảnh: Mirror

Thi thể nạn nhân được tìm thấy trong cốp chiếc xe bị cháy. Ảnh: Mirror

Năm tháng trôi qua mà không có vụ giết người nào khác, cộng đồng xung quanh Yosemite tìm lại được cảm giác bình yên, đặc biệt là khi FBI thông báo đã giam giữ những kẻ chịu trách nhiệm về vụ giết người. Thực tế, họ đã bắt nhầm người.

Ngày 21/7/1999, Cary nhìn thấy Joie Armstrong, nhà tự nhiên học 26 tuổi ở Công viên Quốc gia Yosemite, và lập tức nảy ý đồ sát hại. Sau khi bạn bè trình báo Joie mất tích, cảnh sát phát hiện dấu hiệu xô xát tại căn nhà gỗ của cô và thi thể không toàn vẹn cách đó khoảng 800 m.

Cary để lại một lượng bằng chứng đáng kể trong và xung quanh nhà Joie, xe của anh ta cũng được nhìn thấy gần hiện trường. Trước đó, Cary từng bị thẩm vấn một lần về ba vụ giết người vào tháng 2/1999, nhưng khi đó anh ta không có dấu hiệu đáng ngờ nào.

Các đặc vụ FBI bắt gặp Cary tại một khu vực dành cho người theo chủ nghĩa khỏa thân, anh ta trốn đến đây sau khi gây án. Khi bị thẩm vấn, Cary thú nhận sát hại Joie, mô tả quá trình giết người, phân xác dã man với giọng điệu đều đều vô cảm. Ngay sau đó, anh ta thú nhận đã giết Carole Sund, Juli Sund và Silvina Pelosso.

Cary Stayner (phải) kể lại quá trình gây án trong nhà Joie Armstrong cho đặc vụ FBI. Ảnh: Mirror

Cary Stayner (phải) kể lại quá trình gây án trong nhà Joie Armstrong cho đặc vụ FBI. Ảnh: Mirror

Trước các đặc vụ, Cary nói: “Tôi muốn anh liên hệ với một số nhà sản xuất ở Los Angeles. Tôi muốn một bộ phim kể về câu chuyện của tôi”. Từng có một bộ phim làm về Steven, và Cary cũng muốn được cả thế giới chú ý như vậy.

Mười năm sau cái chết của Steven, gia đình Stayner một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý khi Cary bị kết tội về bốn vụ giết người.

Cary bị kết án tử hình vào năm 2002 và vẫn đang chờ thi hành án.

Câu chuyện về Steven được tái hiện qua bộ phim ngắn tập I Know My First Name Is Steven, ra mắt năm 1989, từng được đề cử một giải Quả Cầu Vàng và bốn giải Emmy. Cuộc đời hai anh em nhà Stayner cũng được kể lại trong phim tài liệu Captive Audience: A Real American Horror Story, phát hành tháng 4/2022.

Tuệ Anh (Theo ABC News)



Leave a Comment

0.0/5