Cô con gái vừa tốt nghiệp một trường đại học kinh doanh và đã đính hôn. Ba con trai của họ vẫn đang ở nhà, sống phụ thuộc vào bố mẹ. Hai trong số này bỏ đại học, còn người con đầu chỉ học hết phổ thông. Cả ba đều độc thân.
“Có điều gì đó không ổn ở đây” cha của họ, ông Dan Moreno, chủ sở hữu chuỗi sửa chữa ôtô Flamingo Appliance Service ở bang Miami nói. “Chúng tôi thích có chúng ở bên nhưng đó không phải là cách xây dựng cuộc đời”.
Đường đời của nam giới và nữ giới ở nước Mỹ đang có sự khác biệt. Được trao cho một sân chơi bình đẳng hơn, phụ nữ trẻ đang nắm bắt cơ hội trước mắt, trong khi nam giới đang loay hoay. Hiện tượng này đã phát triển trong thập kỷ qua, nhưng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi đại dịch, khiến sự nghiệp, việc học hành, bạn bè, gia đình của nam giới đều thua xa nữ.
Tính đến tháng 8/2024, 89% nhóm nam giới từ 25 đến 34 tuổi đang có việc làm hoặc đang tìm việc, ít hơn 700.000 người so với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cùng kỳ năm 2004, theo phân tích dữ liệu của Cục Thống kê Lao động. Tỷ lệ tham gia của phụ nữ tăng 6 điểm phần trăm chỉ trong 10 năm qua, lên 79%.
Theo Điều tra dân số năm 2023, 20% nam giới trong độ tuổi này vẫn sống với cha mẹ, cao hơn tỷ lệ 12% phụ nữ.
Nam giới có nhiều khả năng không có việc làm, không đi học cũng như không tham gia đào tạo lực lượng lao động – được các nhà kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách gọi là NEET (No Education, Employed, Tranning). Trung tâm này tính đến nửa đầu năm 2024, có 8,6% nam thanh niên là NEET, so với mức 7,8% nữ.
Nhà nghiên cứu về nam tính Kevin M. Roy của Đại học Maryland cho biết đến tận thập kỷ trước vẫn có một giả định rằng đàn ông chỉ cần cống hiến hết mình cho cuộc sống và họ sẽ có việc làm, gia đình, được chăm sóc vì là đàn ông.
Richard Reeves, chủ tịch một viện nghiên cứu dành cho nam sinh Mỹ cho biết cảm giác của nhiều thanh niên là không chắc có được gia đình, cộng đồng và xã hội cần đến hay không.
Một trong những manh mối đầu tiên xuất hiện cách đây vài năm, khi các nhà giáo dục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tỷ lệ nam sinh theo học đại học giảm mạnh.
Giờ đây, khi nhóm này đã ở độ tuổi 20, cảm giác vô định của họ đang lan sang cả lĩnh vực xã hội và nghề nghiệp.
Như Daniel, 25 tuổi, con trai thứ của vợ chồng Moreno, bỏ đại học từ năm thứ hai sau khi sự do dự về chuyên ngành, giờ còn khủng hoảng lớn hơn.
“Tôi chỉ cảm thấy rất lạc lõng”, Daniel nói. “Tôi không biết mình đang học vì cái gì”.
Sau 5 năm bỏ học, Daniel vẫn sống với bố mẹ và làm việc cho công ty của gia đình. Chàng trai hy vọng sẽ quay lại trường học ngành đam mê hơn, có thể là báo chí, thú y hoặc thực vật học. Dù vậy, Daniel không biết phải làm gì để đạt được điều đó, hoặc tìm động lực để bắt đầu từ đâu.
“Không có gì ngăn cản tôi, chỉ là bản thân tôi đang tự cản đường mình”, chàng trai nói. Daniel đổ lỗi một phần do đại dịch khiến cậu từ một học sinh trung học nổi tiếng, trở thành một người thích nhốt mình trong nhà.
Sau khi Ronan Convery bước ra khỏi đại dịch, vào đại học với háo hức bù đắp những cơ hội giao lưu đã mất. Cậu nhanh chóng hòa nhập với một nhóm sinh viên “thích uống rượu và trốn tiết”.
“Tôi quá sẵn sàng để quay lại gặp gỡ mọi người đến nỗi không dành thời gian suy ngẫm về những người bạn mới có tốt hay không. Tôi đã tắt tất cả các cảnh báo an toàn”, Convery, 21 tuổi, chia sẻ.
Điểm số và sức khỏe tinh thần của cậu sa sút nhanh chóng. Convery đã bỏ học sau năm nhất, trở về nhà với cảm giác tội lỗi vì nỗ lực trưởng thành đầu tiên trật bánh thảm hại.
Sau đó, cậu đã học trực tuyến và gần đây mới được thăng chức trong công việc bán lẻ. Hiện cậu thay đổi cách kết bạn, ưu tiên sự trung thực về cảm xúc, đồng thời cũng tham gia các liệu pháp để vượt qua trầm cảm.
Nhiều người trong hoàn cảnh của Convery không nhận được sự giúp đỡ cần thiết. Tỷ lệ tự tử ở nam giới từ 25 đến 34 tuổi tăng 30% từ 2010 đến 2023, theo phân tích của Reeves. Đây là mức tăng lớn nhất trong bất kỳ nhóm tuổi nào và thay đổi rõ ràng bởi trước đây tự tử ở tuổi trung niên vượt xa các nhóm khác.
Con trai út của nhà Moreno, Benjamin, 19 tuổi phát ngán cảm giác “được nghỉ hè quanh năm”. Cậu bỏ đại học sau kỳ đầu tiên vì không biết đi học để làm gì.
“Tôi cảm thấy như mình đang làm điều này vì những người xung quanh và bố mẹ”, Benjamin nói.
9 tháng qua, Benjamin thực tập bán thời gian tại một công ty liên kết với doanh nghiệp của cô và giúp mẹ việc nhà. Sau một thời gian đắn đo, chàng trai đã đăng ký vài lớp kinh doanh vào mùa thu này và hy vọng sẽ quay lại trường học toàn thời gian vào mùa xuân.
“Tôi muốn thử lại. Lần này tôi muốn học cho mình”, chàng trai trẻ nói.
Bảo Nhiên (Theo WSJ)