Có hàng triệu loài động vật trên Trái Đất, mỗi loài có chiến thuật sinh sản tiến hóa để phù hợp với nhu cầu cụ thể. Theo Kathleen Cole, nhà ngư học ở Đại học Hawaii tại Manoa, câu hỏi loài nào đẻ nhiều con nhất mỗi lần sinh sản rất phức tạp do có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tình huống, theo Live Science.
Đầu tiên, danh hiệu động vật đẻ nhiều con nhất phụ thuộc vào cách định nghĩa con non. Nếu xem xét con non dựa vào số lượng giao tử (trứng và tinh trùng chưa thụ tinh) được tạo ra mỗi lần, cá thực sự có lợi thế. Việc giải phóng trứng chưa thụ tinh đòi hỏi ít năng lượng hơn so với đẻ trứng đã thụ tinh, vì vậy những động vật phóng thích trứng và tinh trùng chưa thụ tinh vào nước thường có nhiều trứng hơn các loài khác.
Cá mặt trăng (Mola mola) có 300 triệu quả trứng trong tử cung mỗi lần sinh sản. Tuy nhiên, do trứng được thụ tinh bên ngoài cơ thể con cái, không thể biết có bao nhiêu quả trứng trong số đó trở thành con non sống sót được. Sau khi cá cái giải phóng trứng vào đại dương, không có cách biết quả trứng nào thuộc về nó và theo dõi mỗi quả xuyên suốt quá trình thụ tinh và phát triển thành cá non. Tuy nhiên, dù chưa có đánh giá chính thức về số lượng cá mặt trăng trong đại dương, chúng nằm trong danh mục loài dễ tổn thương trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế do hay bị ngư dân bắt nhầm. Các nhà nghiên cứu coi chúng là động vật hiếm trong tự nhiên, vì vậy không phải tất cả 300 triệu quả trứng đều trở thành cá con.
Về mặt trứng thụ tinh trong một lần sinh, côn trùng có thể dẫn đầu. Một số loài kiến như kiến lái xe châu Phi (Dorylus wilverthi) có thể đẻ 3 – 4 triệu quả trứng trong khoảng một tháng. Kiến chúa sẽ chọn thụ tinh một số quả trứng tùy theo nó muốn có bao nhiêu con non đực và cái.
Trong thế giới loài chim, chim đa đa (Perdix perdix) nằm trong số loài đẻ trứng hàng đầu với 22 quả mỗi lứa.
Xét về đẻ con, cá ngựa đực có thể sinh tới 2.000 con non một lần, được chúng ấp và nuôi thông qua dây rốn ở túi.
Loài rắn lục độc là rắn phì (Bitis arietans) đứng đầu trong số động vật đẻ nhiều con trên đất liền. Một con rắn phì cái từng lập kỷ lục đẻ 156 con rắn non phát triển đầy đủ trong một lần mang thai. “Chúng giống như những chiếc xúc xích khổng lồ, có thể chứa rất nhiều con non”, Alex Pyron, nhà sinh vật học tiến hóa ở Đại học George Washington tại Washington, D.C, mô tả.
Tại sao những loài động vật trên sinh nhiều như vậy trong khi voi và cá voi thường chỉ đẻ một con non mỗi lần? Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới kích thước lứa là tuổi thọ. Động vật tuổi thọ ngắn không thể sống sót để chứng kiến con non phát triển thường có nhiều con non mỗi lứa.
Những loài như dơi có trọng lượng nhẹ để bay và mang theo con trên không thể chăm sóc một con non mỗi lần. Động vật phải chăm con sau khi sinh cũng có ít con non hơn, thường do cần dành nhiều năng lượng và tài nguyên để nuôi con. Động vật đẻ con thường sinh ít hơn động vật đẻ trứng và loài sống theo đàn như kiến lái xe châu Phi có nhiều con hơn loài sống đơn độc nhờ khả năng bảo vệ lớn hơn mà cả đàn đem lại.
An Khang (Theo Live Science)