Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nợ công năm nay dự kiến hơn 4 triệu tỷ đồng

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình nợ công năm 2024. Theo đó, nhà điều hành cho biết các chỉ tiêu nợ đến cuối năm nay nằm trong giới hạn trần, ngưỡng cảnh báo an toàn được Quốc hội quyết định.

Cụ thể, nợ công ước khoảng 36-37% GDP, tương đương năm 2023. Với kịch bản tăng trưởng 7% theo mục tiêu đặt ra của Chính phủ năm nay, GDP 2024 khoảng 460 tỷ USD. Như vậy, nợ công khoảng 165-170 tỷ USD, tức 4-4,1 triệu tỷ đồng. Mức này tăng khoảng 100.000-200.000 tỷ đồng về giá trị tuyệt đối so với năm ngoái.

Ngoài ra, nợ Chính phủ 33-34% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 32-33% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 50%. Các khoản trả nợ nước ngoài năm nay chiếm khoảng 8-9% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Số này cũng nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép (25%).

Theo báo cáo, các khoản nợ Chính phủ có 76% từ nguồn vay trong nước, trong đó chủ yếu là trái phiếu. Hiện khối công ty bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các quỹ đầu tư, công ty tài chính nắm 62,5% tổng dư nợ trái phiếu Chính phủ. Phần còn lại do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư khác nắm giữ. Còn các chủ nợ nước ngoài chủ yếu là đối tác phát triển đa phương và song phương như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản và Hàn Quốc…

Năm nay, Thủ tướng giao chỉ tiêu huy động 670.679 tỷ đồng vốn vay. Số này chủ yếu vay để cân đối ngân sách trung ương (659.934 tỷ đồng). Cơ cấu vay chủ yếu từ trong nước, chiếm 95% kế hoạch, tương đương 639.399 tỷ đồng. Khoản vay ODA, ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài khoảng 31.280 tỷ.

Chính phủ đánh giá, quản lý nợ công bám sát nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo an toàn nợ. Cùng với đó, cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm nay cải thiện tích cực. Nợ được Chính phủ bảo lãnh được quản lý chặt chẽ, tỷ trọng giảm từ mức 3,8% GDP năm 2021 xuống còn 2-3% GDP năm nay.

Việc trả nợ được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong dự toán đã duyệt. Chỉ tiêu nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ trên thu ngân sách khoảng 21-22%.

“Chiến lược quản lý nợ chủ động giúp làm giảm rủi ro thanh khoản cũng như sự phụ thuộc vào các nguồn huy động bên ngoài. Nợ bằng ngoại tệ giảm dần giúp hạ rủi ro tỷ giá”, báo cáo nêu.

Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận việc đàm phán, ký thỏa thuận vay nước ngoài chậm hơn. Chi phí vay nước ngoài đang cao hơn so với mức bình quân trong nước và tiềm ẩn các rủi ro về biến động tỷ giá. Giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài đạt thấp.

Nguyên nhân do các khó khăn liên quan đến đầu tư công, đấu thầu chưa được xử lý triệt để. Ngoài ra, vướng mắc về pháp luật là không thể thoả hiệp với bên cho vay dẫn tới việc thực hiện thỏa thuận vay vốn không kịp tiến độ dự kiến.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ cho biết tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng giải ngân vốn đầu tư công, cũng như sử dụng linh hoạt các công cụ để hoàn thành mục tiêu huy động đủ nguồn vốn trong và ngoài nước.

Năm 2025, Chính phủ dự báo dư nợ công ở mức 36-37% GDP, nợ Chính phủ 34-35%, nợ nước ngoài 33-34%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách khoảng 24%.

Phương Dung



Leave a Comment

0.0/5