Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Bà Trương Mỹ Lan ra tòa xin giảm án tử hình

Sáng 4/11, TAND Cấp cao tại TP HCM xét đơn kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo về các sai phạm liên quan đến Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn một vụ án).





Bà Trương Mỹ Lan tại tòa, sáng 4/11. Ảnh: Thanh Tùng

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa, sáng 4/11. Ảnh: Thanh Tùng

Bà Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tù chung thân về tội Nhận hối lộ.

Ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch tập đoàn Capella xin giảm nhẹ hình phạt 8 năm tù vì Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 1.000 tỷ đồng của bà Lan. Trước phiên tòa phúc thẩm, ông Trí đã nộp đủ số tiền 1.000 tỷ đồng để hoàn trả cho bà Lan và có đơn xin xét xử vắng mặt do đang điều trị chấn thương cột sống. Ngoài vụ án này, ông Trí đang là bị can Đưa hối lộ để “siêu” dự án Sài Gòn Đại Ninh tiếp tục được triển khai, sau đó bán sang tay cho Novaland với giá 27.600 tỷ đồng, hưởng lợi 2.700 tỷ.

HĐXX cho trích xuất bà Lan và chồng Chu Lập Cơ, cháu gái Trương Huệ Vân cùng một số bị cáo đến phiên xử, còn lại vẫn ở trại giam T30 Bộ Công an, Củ Chi, tham gia phiên tòa qua truyền hình.

>> Toàn cảnh phiên tòa sáng nay





Trương Huệ Vân tại tòa sáng nay. Ảnh: Thanh Tùng

Trương Huệ Vân tại tòa sáng nay. Ảnh: Thanh Tùng

Là bị hại trong vụ án, SCB kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại toàn bộ phần phần trách nhiệm dân sự trong vụ án.

Một số cá nhân, tổ chức có liên quan, trong đó có Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai kháng cáo đề nghị xem xét doanh nghiệp chỉ phải hoàn trả lại số tiền 1.441 tỷ đồng thay vì 2.882 tỷ đồng theo bản án sơ thẩm, cấn trừ đi số tiền 130 tỷ đồng đã chuyển cho Công ty Chứng khoán Tân Việt. Công ty này cũng xin được trả lại 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không liên quan.

Công ty Âu Lạc và T&H Hạ Long kháng cáo đề nghị hủy bỏ các hợp đồng khung đã ký kết, giải tỏa kê biên trả lại các cổ phần, tài sản công ty đang bị kê biên sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ trả lại số tiền hơn 6.095 tỷ đồng cho bà Lan.

Nêu quan điểm tại phần thủ tục sáng nay, đại diện VKS cho rằng việc vắng mặt bị cáo Nguyễn Cao Trí và Trần Thị Kim Chi, nhân viên Công ty cổ phần đầu tư Natutral Land, không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.

HĐXX đồng quan điểm của đại diện VKS cũng như ý kiến của luật sư Phan Trung Hoài về việc thăm khám thường xuyên, đảm bảo sức khỏe cho bà Lan và các bị cáo khác tham gia phiên tòa. HĐXX cũng lưu ý các luật sư tham gia phiên tòa không được vắng mặt. Đối với những trường hợp có đơn xin vắng mặt trong một số ngày làm việc tòa sẽ cân nhắc xem xét.

Chiều nay tòa tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo. Phiên tòa phúc thẩm dự kiến kéo dài đến ngày 25/11.

>> Danh sách những người kháng cáo





Ông Nguyễn Cao Trí trong lần ra tòa hồi tháng 3. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Nguyễn Cao Trí trong lần ra tòa hồi tháng 3. Ảnh: Thanh Tùng

Bản án sơ thẩm xác định, từ năm 2011 bà Lan thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành SCB. Lợi dụng chính sách của Nhà nước trong đề án tái cơ cấu SCB, bà Lan sử dụng nhà băng như một công cụ tài chính để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân và hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.

Với việc sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua nhiều cá nhân, bà Lan đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt tại SCB và Vạn Thịnh Phát lập các hồ sơ khống, rút tiền SCB. Để hợp thức hóa việc rút tiền và tránh bị phát hiện sai phạm, bà Lan yêu cầu cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty “ma”, sau đó thực hiện rút tiền mặt hoặc chuyển lòng vòng nhằm cắt đứt dòng tiền. Việc đưa các tài sản đảm bảo có giá trị thấp rồi nâng khống để đảm bảo cho các khoản vay lớn chỉ là thủ đoạn nhằm chiếm tiền người dân gửi tại SCB.

Trong đó, từ năm 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022, các khoản vay này còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng. Hành vi trong giai đoạn này của bà Lan là phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Do Bộ luật Hình sự 2015 có sự thay đổi về đường lối xử lý đối với các sai phạm xảy ra tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018 (Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) nên hành vi này của bà Lan phạm tội Tham ô tài sản.

Trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tòa xác định đây là số tiền thiệt hại của vụ án và bà Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB.

Ngoài ra, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, giúp nhà băng thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Trong đó, Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) đã 4 lần đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước) số tiền 5,2 triệu USD; đưa tiền và quà cho các thành viên đoàn thanh tra để bưng bít sai phạm, tạo điều kiện cho SCB được tiếp tục tái cơ cấu. Hành vi này là phạm tội Đưa hối lộ.

Quá trình điều tra, xét xử bà Lan nhận trách nhiệm đối với các thiệt hại đã gây ra cho SCB. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng hành vi sai phạm của mình xuất phát từ nhận thức thiếu hiểu biết về Luật các tổ chức tín dụng, nên chỉ phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng chứ không Tham ô tài sản; không chỉ đạo Văn Đưa hối lộ.

Hồi tháng 4, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình. Cho rằng mức hình phạt này là quá nghiêm khắc và nặng nề đối với mình, bà kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm xem xét toàn bộ bản án.

Trong vụ án này, bà Đỗ Thị Nhàn bị TAND TP HCM tuyên án tù chung thân về tội Nhận hối lộ. 3 cựu lãnh đạo của SCB gồm Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB và Võ Tấn Hoàng Văn cũng bị phạt tù chung thân.

81 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù về loạt tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài bản án này, bà Lan và 33 người khác còn bị kết tội ở giai đoạn hai vụ án xảy ra Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Hôm 17/10, bà Lan bị tòa sơ thẩm tuyên phạt án chung thân về 3 tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.081 tỷ đồng của 35.824 trái chủ) thông qua việc phát hành trái phiếu khống; Rửa tiền (445.747 tỷ đồng) và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD – tương đương 106.730 tỷ đồng).

Hải Duyên – Quốc Thắng – Thanh Tùng



Leave a Comment

0.0/5