Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ông Trump chuẩn bị cho khoan thêm dầu

Đây là hai nội dung chính trong kế hoạch năng lượng quy mô lớn mà đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang xây dựng. Động thái nhằm thực hiện các cam kết ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

“Người dân Mỹ có thể trông cậy vào Tổng thống Trump sử dụng quyền hành pháp của mình ngay từ ngày đầu tiên để thực hiện những lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử”, Karoline Leavitt, người phát ngôn của Trump, cho biết.

Cụ thể, chính quyền mới sẽ đẩy nhanh cấp phép khoan dầu trên các vùng đất liên bang và mở lại kế hoạch khoan dầu 5 năm ngoài khơi. Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của chính quyền Biden, thời gian trung bình để phê duyệt giấy phép khoan dầu trên đất liên bang và đất của người da đỏ là 258 ngày, tăng so với mức trung bình 172 ngày trong nhiệm kỳ đầu của Trump.

Vì vậy, tổng thống đắc cử có kế hoạch đẩy nhanh việc phê duyệt các giấy phép đang chờ xử lý, tổ chức các đợt đấu giá khai thác thường xuyên hơn và tập trung vào các khu vực có tiềm năng dầu mỏ cao.

Trong một hành động mang tính biểu tượng, ông Trump sẽ tìm cách phê duyệt Đường ống Keystone. Dự án vận chuyển dầu thô của Canada đến Mỹ này từng là điểm nóng về môi trường và đã bị dừng sau khi ông Biden hủy một giấy phép quan trọng ngay ngày đầu tiên nhậm chức.





Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu tại hội nghị của đảng Cộng hòa tại Hạ viện ở Washington ngày 13/11. Ảnh: AP

Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu tại hội nghị của đảng Cộng hòa tại Hạ viện ở Washington ngày 13/11. Ảnh: AP

Song song đó, ông sẽ dỡ bỏ lệnh tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu LNG mà Tổng thống Joe Biden ban hành năm nay với lý do đánh giá lại tác động về môi trường. Chính quyền Biden định công bố nghiên cứu về môi trường trước khi Trump nhậm chức ngày 20/1 nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng đến quyết định của chính quyền mới trong việc bỡ bỏ lệnh dừng và phê duyệt các giấy phép đang chờ xử lý.

“Vấn đề LNG đang bị trì hoãn và ông ấy (Trump) có kế hoạch sẽ mạnh tay”, nguồn tin của Reuters nói. Mỹ là nhà sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới và trở thành nước xuất khẩu LNG nhiều nhất vào năm 2022, khi châu Âu tìm thay thế cho nguồn cung Nga.

Nhiều nội dung trong kế hoạch năng lượng của ông Trump sẽ cần thời gian để thông qua quốc hội hoặc hệ thống quản lý của quốc gia. Vì vậy, ông định ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng vào ngày đầu tiên nhậm chức như giải pháp để vượt qua các rào cản và đẩy nhanh các chính sách mới.

Tổng thống đắc cử cũng sẽ kêu gọi quốc hội cấp thêm kinh phí để bổ sung Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, vốn đã bị giảm dưới thời Biden nhằm kiểm soát giá dầu trong khủng hoảng Ukraine và lạm phát. Việc bổ sung dự trữ cũng thúc đẩy nhu cầu dầu ngắn hạn và khuyến khích sản xuất tại Mỹ.

Ngoài ra, chính quyền Trump dự kiến gây áp lực lên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Các cố vấn của ông khuyến nghị cắt giảm tài trợ nếu IEA không chuyển trọng tâm sang các chính sách hỗ trợ dầu khí hơn. “Tôi đã trực tiếp thúc giục Trump và cả đội ngũ của ông ấy về việc gây áp lực để IEA quay lại với sứ mệnh cốt lõi là đảm bảo an ninh năng lượng, thay vì tập trung vào các chính sách xanh”, Dan Eberhart, CEO công ty dịch vụ dầu khí Canary nói.

Dự báo gần nhất và vào thời điểm ông Trump chưa đắc cử, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho rằng nước này sản xuất 13,25 triệu thùng dầu thô mỗi ngày vào 2024 và tăng lên 13,67 triệu thùng mỗi ngày trong 2025.

Phiên An (theo Reuters)



Leave a Comment

0.0/5