Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tiểu hành tinh khổng lồ bay gần Trái Đất nhất từ trước tới nay





Tiểu hành tinh 2020 XR to ngang một sân bóng đá. Ảnh: buradaki

Tiểu hành tinh 2020 XR to ngang một sân bóng đá. Ảnh: buradaki

2020 XR, thiên thạch khổng lồ di chuyển ở tốc độ khoảng 44.300 km/h tiến tới khoảng cách gần Trái Đất nhất là 2,2 triệu km vào 0h27 ngày 4/12 giờ Mỹ (11h27 cùng ngày giờ Hà Nội), theo Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA. Quá trình bay của nó sẽ được phát trực tiếp bởi Dự án kính viễn vọng ảo (VTP).

NASA xếp 2020 XR vào nhóm vật thể gần Trái Đất (NEO), có nghĩa quỹ đạo của nó đôi khi khiến nó bay cách Mặt Trời trong khoảng 1,3 đơn vị thiên văn (AU), tương đương 1,3 lần khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trời. Bất kỳ NEO nào bay gần Trái Đất hơn 7.500.000 km và có đường kính lớn hơn 150 m được xem như “mối đe dọa tiềm ẩn”. Tuy nhiên, lần bay gần hôm 4/12 của 2020 XR không đe dọa Trái Đất.

“Khi các nhà thiên văn học lần đầu tiên phát hiện 2020 XR, họ cho rằng nó có khả năng nhỏ va chạm với Trái Đất vào năm 2028”, Juan Luis Cano, chuyên gia ở Trung tâm điều phối vật thể gần Trái Đất của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), cho biết. “Nhưng khi tìm kiếm tiểu hành tinh này trong dữ liệu cũ hơn, họ có thể xác định đường bay của nó rõ ràng hơn và loại trừ bất kỳ nguy cơ nào”.

Tiểu hành tinh 2020 XR có đường kính 366 m, đủ lớn để xóa sổ một thành phố nhỏ. Lần gần nhất nó bay sát Trái Đất là tháng 12/1977. Tuy nhiên, khi đó, khoảng cách nhỏ nhất giữa nó và Trái Đất là 16 triệu km, lớn hơn nhiều so với hôm nay.

Các chuyên gia dự đoán 2020 XR sẽ không bay gần Trái Đất như vậy nữa ít nhất tới năm 2196. Lần tiếp theo 2020 XR bay qua Trái Đất là tháng 11/2028 ở khoảng cách ước tính 18,2 triệu km.

An Khang (Theo Live Science)



Leave a Comment

0.0/5