Ông Joe Biden giỏi ngoại giao hơn Donald Trump, theo Le Monde. Nhưng điểm tương đồng của ông với người tiền nhiệm là kiên quyết thực hiện mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”, không khác mấy khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Trong “Chiến lược An ninh Quốc gia” vào tháng 10/2022, mục tiêu của Mỹ là “điều chỉnh” toàn cầu hóa. Theo nước này, trước sức mạnh kinh tế, công nghệ và quân sự đang lên của Trung Quốc, các quy tắc quản lý nền kinh tế và thương mại toàn cầu phải được sửa đổi.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan rút ngắn quan điểm rằng: “Tiếp cận thị trường (toàn cầu) đã trở thành nguyên tắc chính thống của tất cả chính sách thương mại trong 30 năm và điều đó không còn phù hợp với những thách thức ngày nay”.
Nhưng ông cho rằng, thách thức chính hiện nay là tính bảo mật của chuỗi cung ứng. Với một số sản phẩm chiến lược, an ninh kinh tế một lần nữa là bộ phận cấu thành của an ninh quốc gia. Vì vậy, chính quyền Biden muốn tạo việc làm bằng mọi giá, hồi sinh các khu vực bị bỏ hoang và giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc với các sản phẩm chiến lược, thông qua “Đạo luật Chips và Đạo luật Giảm lạm phát” (IRA).
Hàng loạt ‘siêu nhà máy’
Các chính sách của ông Biden đang bắt đầu đơm hoa kết trái. Trong 8 tháng tính từ tháng 8/2022 đến giữa tháng 4/2023, đã có 204 tỷ USD rót vào ngành bán dẫn và công nghệ carbon thấp, theo Financial Times.
Số tiền này đổ vào 75 dự án nhà máy quy mô lớn, hay siêu nhà máy (gigafactory), hứa hẹn tạo 82.000 việc làm. Ngay cả khi không phải tất cả đều được kích hoạt bởi IRA, chúng vẫn được hưởng lợi từ các hỗ trợ gần đây. Các khoản đầu tư này gần như gấp đôi các khoản cam kết được thực hiện trong cùng lĩnh vực trong cả năm 2021, và gần gấp 20 lần lượng vốn đầu tư trong năm 2019. Năm đó, chỉ có bốn dự án trị giá hơn một tỷ USD so với 31 của hiện tại.
Có hơn 30 khoản đầu tư nhằm tăng tốc độ phát triển xe điện và 21 khoản liên quan đến bộ vi xử lý, một lĩnh vực mà chính quyền Biden cho là rất quan trọng vì cần thiết cho an ninh quốc gia.
Ngày 6/12/2022, ông Biden đến thăm nhà máy của TSMC (Đài Loan) ở Phoenix, Arizona. Ông đi cùng hàng loạt lãnh đạo Big Tech lớn, bao gồm Giám đốc điều hành Apple Tim Cook. Là nhà máy chip lớn nhất thế giới, dự án có quy mô đầu tư đến 40 tỷ USD, kỷ lục chưa từng có với một công ty nước ngoài. “Đây không chỉ là một bước đột phá, mà là cách chúng tôi xây dựng hệ sinh thái đổi mới cho ngành bán dẫn Mỹ”, Brian Deese, Cố vấn kinh tế trưởng của Nhà Trắng, bình luận.
Một phần ba trong 204 tỷ USD đầu tư đến từ các công ty nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Việc di dời qua Thái Bình Dương giúp họ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. LG Energy Solution (Hàn Quốc) sẽ đầu tư 5,5 tỷ USD vào nhà máy pin ở Arizona. Ford sẽ chi 2,4 tỷ USD ở Michigan để sản xuất pin theo công nghệ được cấp phép bởi CATL (Trung Quốc).
Cây gậy hay củ cà rốt?
Chủ tịch Liên minh Sản xuất Mỹ Scott Paul đánh giá các chính sách của ông Biden đã lần đầu tiên mở ra làn sóng hồi hương sản xuất về Mỹ sau nhiều thế hệ. Dù vậy, đảng Cộng hòa vẫn hoài nghi. Tại Quốc hội, họ đã bỏ phiếu áp đảo chống lại IRA, bất chấp ba phần tư lợi ích của chúng đang đổ vào các địa phương do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Một phần lý do được cho là bởi ông Biden thông qua gói kích thích không đúng lúc và quá mức, góp phần đẩy lạm phát trở lại. Thêm vào đó là các khoản trợ cấp lớn được cung cấp bởi chính quyền tiểu bang và địa phương, tạo ra cuộc đua tiêu hao ngân sách.
Đa số các công ty từ chối tiết lộ số tiền cụ thể đã được chính phủ hỗ trợ để đưa ra các quyết định tỷ USD này. Theo Financial Times, tổng khối trợ cấp được công khai chỉ đạt 14 tỷ USD. Khoản hỗ trợ lớn nhất được biết đến lên tới khoảng 5,5 tỷ USD dành cho Micron, để xây nhà máy sản xuất chip trị giá 20 tỷ USD.
Nhà máy ban đầu được lên kế hoạch triển khai ở Texas nhưng giờ sẽ xây ở New York, nơi hứa hẹn trợ cấp cao hơn. Việc săn lùng các khoản trợ cấp trong ngành công nghiệp bán dẫn trở nên nóng đến mức một số người nghi ngại về sự bền vững của ngân sách các chính quyền địa phương.
Thời gian qua, các bang tranh nhau trải thảm đỏ và trợ cấp để chào đón các nhà máy. Ví dụ Georgia chi 360 triệu USD cho công ty pin Freyr (Na Uy), hay Michigan chi 715 triệu USD hỗ trợ cho Gotion. Indiana và Ohio thì có quỹ đất dành cho các nhà đầu tư tương lai. Cơn sốt thu hút đầu tư lan đến cả các thành trì dầu mỏ của đảng Cộng hòa ở miền Trung Tây.
“Những gì bạn có ở đây là một củ cà rốt. Những gì chúng tôi có ở châu Âu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng là một cây gậy”, Josu Jon Imaz, CEO công ty dầu Repsol (Tây Ban Nha) thở dài bình luận tại Houston vào ngày 6/3.
Và cái giá để tặng “củ cà rốt” theo một số chuyên gia là nguy cơ xảy ra “hiệu ứng boomerang”, tương tự như rủi ro do chính sách nới lỏng tiền tệ mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từng gây ra. Nghĩa là, khi mọi thứ đều được trợ cấp, các công ty sẽ ồ ạt đầu tư và việc vỡ bong bóng là có khả năng.
Ngoài ra, Mỹ hiện cũng gặp vài vướng mắc khác. Thiếu hụt lao động lành nghề, dù là thợ điện hay công nhân xây dựng, là một trở ngại lớn. Intel đang gặp khó trong việc xây dựng nhà máy khổng lồ của mình, công trình đã được ông Biden chứng kiến động thổ ở Ohio vào mùa thu 2022. Những hứa hẹn trợ cấp cũng chưa mang về chiến thắng cho ngành chip trên thị trường chứng khoán lẫn thương mại.
Áp lực với châu Âu
Dù vậy, thành công bước đầu của ông Biden đang gây áp lực cho bên kia bờ Đại Tây Dương. “Các bạn cũng nên làm như vậy” là nội dung mà thư ký năng lượng của Joe Biden, Jennifer Granholm, bác bỏ những lời phàn nàn của châu Âu về các khoản trợ cấp khổng lồ do chính quyền Biden cung cấp thông qua IRA.
Đến hôm 18/4, 27 quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu đã đạt được thỏa thuận về “Đạo luật Chips châu Âu”, đã được soạn thảo vào năm 2022. Động thái nhằm tăng gấp đôi thị phần bán dẫn toàn cầu hiện tại của EU, lên 20% vào năm 2030, nhờ 46 tỷ euro đến từ các quỹ châu Âu và vốn tư nhân, cũng như nới lỏng các quy tắc về viện trợ của chính phủ.
“Bằng cách làm chủ các chất bán dẫn tiên tiến nhất, Liên minh châu Âu sẽ trở thành một cường quốc công nghiệp trên thị trường trong tương lai,” Ủy viên châu Âu về Thị trường Nội bộ Thierry Breton tuyên bố. Ước tính quy mô thị trường bán dẫn toàn cầu có thể đạt 1.300 tỷ USD vào cuối thập kỷ này
Ông nói thêm rằng đạo luật sẽ cho phép EU “tái cân bằng và đảm bảo chuỗi cung ứng của mình”. Nhưng để hiện thực hóa giấc mơ thì châu Âu còn rất nhiều việc phải làm, bao gồm việc huy động vốn để nghiên cứu và phát triển chip thế hệ mới nhất và nhanh chóng khai trương các địa điểm sản xuất, chẳng hạn như nhà máy mới của Intel ở Đức và STMicroelectronics ở Crolles, miền đông nước Pháp. Ở một góc nhìn bi quan hơn, tờ Le Monde cho rằng đạo luật ra đời ở thời điểm “quá muộn” để châu Âu có thể cạnh tranh trong ngành bán dẫn với Mỹ và Trung Quốc.
Phiên An (theo Le Monde)