Với mức doanh thu dự kiến này, đây sẽ là mức cao nhất từ 2013 đến nay. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay 71 tỷ đồng và sau thuế gần 57 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng theo đó khoảng 0,19%, thấp hơn nhiều so với tỷ suất sinh lời của các thương hiệu kim hoàn tư nhân.
Đây là lần đầu tiên SJC công bố kế hoạch tiêu thụ vàng miếng. Những năm trước, công ty này chỉ thông báo kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.
Trong kế hoạch năm nay, công ty này cho biết đang tính đến việc mở rộng thị trường và đưa thương hiệu vàng SJC ra các nước trong khu vực Đông Nam Á. Công ty cũng liên kết với các trường đại học chuyên ngành mỹ thuật và tuyển dụng nghệ nhân để thành lập trường đào tạo, dạy nghề kim hoàn nhằm hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất và kinh doanh nữ trang.
Theo ban lãnh đạo SJC, kế hoạch trên do công ty tự xây dựng trong lúc chưa nhận được chỉ tiêu từ UBND TP HCM – đơn vị đại diện nhà nước sở hữu 100% vốn – giao cho.
SJC hiện chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, nhưng nhiều khả năng kết quả sẽ tăng trưởng đột biến bởi năm ngoái là giai đoạn thị trường kim loại quý biến động mạnh nhất trong một thập kỷ qua. Giá vàng miếng có lúc lên đỉnh lịch sử 74 triệu đồng, còn vàng nhẫn có thương hiệu cũng chạm mốc 57 triệu đồng. Trong nửa đầu năm ngoái, SJC đã ghi nhận doanh thu gần 19.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 60 tỷ đồng, bằng kế hoạch cả năm.
Bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc SJC, từng cho biết công ty được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia từ năm 2012. Việc sản xuất vàng miếng từ đó được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt chẽ trong tất cả khâu, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng. Công ty không được dập vàng miếng từ nguyên liệu và cũng mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh khi trở thành thương hiệu độc quyền quốc gia.
Phương Đông