Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

7 tháng châu Âu bế tắc trong điều tra vụ nổ Nord Stream

Ngay sau nửa đêm 26/9, một máy đo địa chấn kỹ thuật số đặt trong giếng nông trên đảo Bornholm của Đan Mạch thu được tín hiệu bất thường về sóng chấn động lan qua nền đá của đảo. Dữ liệu khác thường này sau đó được truyền qua cáp Internet dưới đáy biển Baltic tới máy chủ của Cơ quan Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS) ở Copenhagen.

Nhưng thông tin đã không được kiểm tra tại GEUS trong nhiều giờ sau, cho tới khi nhà địa chất học Nicolai Rinds ngồi vào bàn làm việc và khởi động phần mềm kiểm tra hoạt động địa chấn ngày hôm trước. Đan Mạch hầu như không có động đất và núi lửa, nên những tín hiệu bất thường từ máy đo địa chấn ở Bornholm khiến ông cảm thấy kỳ lạ.

Trong phòng họp của GEUS, mọi người đang sôi nổi thảo luận về bản tin trên truyền thông đề cập đến hiện tượng khí sủi bọt từ đáy biển Baltic. “Liệu đây có phải là dấu hiệu một đường ống khổng lồ bị vỡ hay không?”, Tine Larsen, đồng nghiệp của Rinds, đặt câu hỏi.

Khi trở lại bàn làm việc, Rinds kiểm tra lại dữ liệu từ Bornholm và nhận thấy chúng cũng được ghi nhận bởi hai thiết bị khác, một ở Đan Mạch và một ở Thụy Điển, cho thấy sóng chấn động này xuất phát từ một điểm duy nhất.

Ông lập tức gọi các đồng nghiệp đến để xác nhận phát hiện của mình. “Đây không phải một trận động đất”, Larsen nói.

Bọt khí nổi lên từ một điểm rò rỉ trên Nord Stream 2 với đường kính khoảng 1 km trên biển Baltic, khu vực gần đảo Bornholm của Đan Mạch tháng 9/2022. Ảnh: Reuters

Bọt khí nổi lên từ một điểm rò rỉ trên Nord Stream 2 với đường kính khoảng 1 km trên biển Baltic, khu vực gần đảo Bornholm của Đan Mạch tháng 9/2022. Ảnh: Reuters

Giám đốc GEUS sau đó thông báo với Bộ trưởng Khí hậu Đan Mạch rằng đã có một vụ nổ dưới nước, tại các vị trí xuất hiện bóng khí trên biển Baltic. Mỗi vị trí dường như ứng với một điểm trên đường ống Nord Stream 1 và 2 dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Đường ống Nord Stream 2 khi đó chưa đi vào hoạt động, nhưng đang chứa đầy khí đốt để cân bằng áp suất dưới đáy biển. Nord Stream 1 đã vận hành từ năm 2011, cung cấp gần 60 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, chiếm 2/5 tổng nguồn cung của châu Âu.

Một quan chức của Gazprom nói với Hội đồng Bảo an LHQ rằng vào thời điểm xảy ra vụ nổ, hệ thống chứa khoảng 800 triệu mét khí đốt, 1/4 lượng tiêu thụ hàng năm của Đan Mạch.

“Hai vụ nổ trên các đường ống trong cùng một ngày cho thấy đây rõ ràng không phải là tai nạn”, Larsen nói.

Vài giờ sau, các lãnh đạo cảnh sát, quân đội và tình báo Đan Mạch nhanh chóng nhóm họp tại hội đồng an ninh quốc gia. Đan Mạch chưa từng tích cực ủng hộ đường ống Nord Stream, vốn chuyển khí đốt từ vùng Siberia của Nga qua biển Baltic tới miền bắc nước Đức. Nhưng vào năm 2009, Copenhagen đã cho phép hai đường ống đi qua khu vực vừa là vùng biển quốc tế, vừa là vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch vì nằm gần đảo Bornholm.

Các nhà địa chất ở GEUS nhanh chóng xác định rằng vụ nổ đầu tiên có thể xảy ra ở vùng xám đó. Giới chức Đan Mạch và Thụy Điển cuối cùng phát hiện tổng cộng bốn điểm rò rỉ trên đường ống nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Nhiều quan chức chính phủ và quân đội Đan Mạch cho rằng địa điểm xảy ra vụ rò rỉ cho thấy đây là cuộc tấn công được lên kế hoạch chính xác.

Tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc bốn ngày sau các vụ nổ, Marc-Antoine Eyl-Mazzega, giám đốc Trung tâm Năng lượng và Khí hậu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, nói rằng các vụ nổ cho thấy sự leo thang căng thẳng địa chính trị giữa Nga và NATO, trong đó “hoạt động buôn bán năng lượng và hệ thống đường ống đã trở thành tâm điểm và bị vũ khí hóa”.

Lãnh đạo nhiều nước khác sau đó xác định các vụ nổ là có chủ ý và tuyên bố sẽ buộc thủ phạm phải chịu hậu quả nghiêm trọng. Đan Mạch, Đức, Ba Lan và Thụy Điển đã mở các cuộc điều tra riêng, trong khi đại diện của Nga ở LHQ Vassily Nebenzia kêu gọi “khởi tố hình sự theo điều khoản về hành vi khủng bố”. Nhưng hơn nửa năm sau, chưa bên nào công bố kết quả.

“Không ai thực sự biết chuyện gì đã diễn ra. Xung đột Ukraine có thể là một phần nguyên nhân được nghĩ tới”, hạm trưởng Dan Termansen thuộc hải quân Đan Mạch nói.

24 giờ sau vụ nổ đầu tiên ở Nord Stream, hải quân Đan Mạch cử hàng chục thợ lặn lên đường kiểm tra các đường ống bị vỡ gần đảo Bornholm. Họ thu thập các mảnh đường ống vỡ nát và kiểm tra bề mặt đáy biển, công việc yêu cầu họ phải ở lâu trong vùng nước đục. Một thợ lặn giàu kinh nghiệm cho hay việc đặt được thuốc nổ ở độ sâu này mà không có thiết bị định vị hiện đại sẽ vô cùng thách thức.

Người này ước tính cả quá trình đặt thuốc nổ và thoát khỏi đó an toàn sẽ mất vài tiếng. Ông đoán bất kỳ ai thực hiện cuộc tấn công đã sử dụng tàu lặn tự động di chuyển nhanh để tiết kiệm thời gian và tránh gây nghi ngờ.

Trong khi đó, công tố viên chính dẫn đầu cuộc điều tra của Thụy Điển Mats Ljungqvist cho biết thông tin của nhóm ông “được bảo mật vì liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia”. Do đó, Thụy Điển sẽ không tham gia điều tra bất kỳ cuộc điều tra chung nào buộc phải chia sẻ thông tin.

Dù đã huấn luyện chung trong nhiều năm, các đội thợ lặn của hải quân Thụy Điển và Đan Mạch vẫn hành động tách biệt khi kiểm tra các địa điểm xảy ra vụ nổ, cũng như không chia sẻ thiết bị hoặc bằng chứng thu thập được.

Đường ống Nord Stream nghi bị cài thuốc nổ

 
 

Bóng khí lớn nổi lên từ vị trí rò rỉ của đường ống Nord Stream 1 trong vùng biển Đan Mạch. Video: Guardian

Sự thận trọng này là có nguyên nhân. Hàng trăm điệp viên Nga đã bị trục xuất khỏi châu Âu trong năm qua. Mối lo ngại về các bí mật quân sự bị chuyển cho Nga càng tăng lên sau khi cơ quan tình báo Đức bắt một số “gián điệp hai mang” hoạt động cho Nga hồi tháng 12 năm ngoái.

Các quan chức phương Tây và Ukraine ban đầu cho rằng Nga đã tiến hành vụ tấn công nhằm tăng áp lực với châu Âu trong lĩnh vực năng lượng. Điện Kremlin gọi đó là “điều ngu ngốc và ngớ ngẩn”, sau đó cho rằng lực lượng đặc nhiệm Anh gây ra vụ nổ. London mô tả cáo buộc của Moskva là “truyền bá thông tin sai lệch”.

Đến tháng 2, Bộ trưởng Tư pháp Đức thừa nhận “không thể chứng minh” Nga liên quan đến các vụ nổ trên đường ống Nord Stream. Giới chức Thụy Điển gọi các vụ nổ là hành động phá hoại, nhưng giống như Đan Mạch, không công khai thêm thông tin.

“Câu hỏi đặt ra là ai đã làm? Liệu có hợp lý để nghĩ rằng người Nga là thủ phạm hay không?”, Eerik-Niiles Kross, cựu giám đốc tình báo Estonia, nói. Ông nhận định một số cơ quan tình báo châu Âu đã thu được bằng chứng xác định thủ phạm, song có lý do để không công bố, “đặc biệt nếu đó không phải là Nga”.

Seymour Hersh, nhà báo điều tra Mỹ từng đạt giải Pulitzer, hồi đầu tháng 2 cáo buộc thợ lặn hải quân Mỹ đã lợi dụng diễn tập BALTOPS 22 của NATO để cài thuốc nổ điều khiển từ xa dưới đường ống Nord Stream.

Hersh nói rằng chiến dịch được Tổng thống Joe Biden phê chuẩn, có sự tham gia của hải quân Mỹ, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và nhóm chuyên trách của Hội đồng An ninh Quốc gia, được sự hỗ trợ của tình báo và hải quân Na Uy. Tuy nhiên, nhà báo này không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc của mình.

Jone Sipher, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng không có quốc gia NATO nào liên quan tới vụ nổ. “Quân đội các nước NATO đều có khả năng làm những việc như vậy, nhưng tôi cho rằng họ chẳng có lợi ích lớn gì để làm điều đó trong thời bình”, Sipher nói.

Truyền thông Mỹ và Đức sau đó dẫn các nguồn tin tình báo cho rằng một “nhóm thân Ukraine” hoặc thậm chí chính Ukraine có liên quan tới các vụ nổ. Một cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev “không liên quan tới sự cố trên biển Baltic”.

Ronald Marks, cựu sĩ quan CIA, ngày càng tin vào giả thuyết những vụ nổ đường ống là do một nhóm nhỏ người Ukraine tiến hành với sự giúp đỡ từ chính phủ nước ngoài. “Tôi sẵn sàng đặt cược vào nhận định này”, Marks, hiện là giáo sư thỉnh giảng ở Đại học George Mason, nói.

Nhưng sau các cuộc điều tra, tung tích của “nhóm thân Ukraine” này vẫn là một bí ẩn, dù tình báo Đức đã lần theo hành trình của du thuyền Andromeda, được cho là do những người này thuê để đặt thuốc nổ dưới đường ống. Nga bác bỏ giả thuyết về vai trò của nhóm này, cho rằng đây là một nỗ lực nhằm “đánh lạc hướng điều tra”.

Vị trí rò rỉ sau các vụ nổ trên đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 vào tháng 9/2022. Đồ họa: Guardian

Vị trí rò rỉ sau các vụ nổ trên đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 vào tháng 9/2022. Đồ họa: Guardian

Trong những ngày sau vụ nổ ở Bornholm, phương Tây liên tiếp đưa ra những lời cảnh cáo và đe dọa trả đũa. Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, tuyên bố “bất kỳ sự gián đoạn có chủ ý nào đối với cơ sở hạ tầng ở châu Âu là hoàn toàn không thể chấp nhận và sẽ phải đối mặt với những phản ứng mạnh mẽ, thống nhất”.

Tuy nhiên, thế giới đến nay vẫn chưa biết thủ phạm đứng sau các vụ nổ là ai. “Giống như nhiều điều xảy ra dưới đáy biển, những phản ứng như Borrell đề xuất có được áp dụng hay không cũng là điều mà chúng ta chưa biết và có lẽ sẽ không bao giờ biết”, Willem Marx, nhà phân tích của Bloomberg, nhận định.

Thanh Tâm (Theo Bloomberg)

Leave a Comment

0.0/5