Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ukraine nói Nga áp dụng chiến thuật tìm diệt phòng không

“Đối phương đang thay đổi chiến thuật. Họ đang tăng số lượt không kích nhằm thể hiện ưu thế trên bầu trời, cũng như áp dụng đòn tấn công hiệp đồng. Theo đó, hai chiến đấu cơ sẽ thu hút lưới phòng không để chiếc thứ ba tấn công trận địa”, đại tá Oleksi Dmytrashkivsky, Oleksi Dmytrashkivsky, phát ngôn viên nhóm tác chiến – chiến lược Tavria của quân đội Ukraine, cho biết hôm 25/4.

Đại tá Dmytrashkivsky nói rằng điều kiện thời tiết thuận lợi cho phép lực lượng Nga tăng gấp đôi số lượt xuất kích của máy bay không người lái (UAV), cũng như áp dụng chiến thuật mới nhằm tìm diệt các tổ hợp phòng không Ukraine.

Ukraine nói Nga áp dụng chiến thuật tìm diệt phòng không

 
 

UAV Lancet Nga tập kích tổ hợp phòng không Osa-AKM Ukraine tại tỉnh Kherson hôm 20/4. Video: Telegram/Intelslava

“Một số UAV Shahed bị bắn rơi trên bầu trời, nhưng hàng loạt phi cơ Lancet xuất hiện ngay sau đó để đánh bồi. Biện pháp này cũng được dùng để nhận diện vị trí các đơn vị phòng không”, quan chức quân đội Ukraine nói.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.

Các tài liệu được tình báo Mỹ soạn thảo cuối tháng 2 rò rỉ gần đây cho thấy lực lượng phòng không Ukraine ngày càng bị bào mòn sau hơn một năm chiến sự và không thể ngăn chặn Nga chiếm hoàn toàn ưu thế trên không.

Theo tài liệu tình báo bị rò rỉ, Mỹ đánh giá “khả năng bảo vệ tiền tuyến của các hệ thống phòng không Ukraine sẽ suy giảm mạnh từ ngày 23/5”. Kho dự trữ đạn cho tên lửa tầm trung Buk-M1 và tầm xa S-300, vốn chiếm 89% năng lực phòng thủ của Ukraine, được dự báo sẽ cạn kiệt vào tháng 4-5. Tình trạng tương tự cũng có thể xảy đến với hệ thống NASAMS được Mỹ cung cấp.

Giới chuyên gia phương Tây cho rằng trong tình huống này, quân đội Ukraine sẽ đối mặt với “kịch bản thảm họa” khi đánh mất lưới phòng không vốn đã giúp họ kìm chân các loại chiến đấu cơ, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình Nga suốt nhiều tháng qua.

Cường kích Su-25 Nga cất cánh làm nhiệm vụ tại Ukraine hồi tháng 7/2022. Ảnh: Ria Novosti

Cường kích Su-25 Nga cất cánh làm nhiệm vụ tại Ukraine hồi tháng 7/2022. Ảnh: Ria Novosti

Cạn kiệt đạn tên lửa sẽ khiến lưới phòng không của Ukraine xuất hiện nhiều lỗ hổng mà máy bay Nga có thể tận dụng để tiếp cận nhiều mục tiêu hơn và khai hỏa loạt vũ khí tầm ngắn, thay vì phải dựa vào tên lửa tầm xa có chi phí cao và nguồn cung hạn chế.

“Trong tình huống đó, không quân Nga có thể hoạt động tự do hơn ở khu vực tiến tuyến, cũng như tiếp cận sâu hơn vào vùng trời miền trung và miền tây Ukraine, cho phép họ tập kích nhiều mục tiêu quan trọng như sân bay và căn cứ quân sự, cũng như hạ tầng dân sự thiết yếu”, chuyên gia Tyler Rogoway viết trên chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ.

Vũ Anh (Theo Ukrinform)

Leave a Comment

0.0/5