Tàu đổ bộ Hakuto-R do công ty iSpace ở Tokyo vận hành hướng tới mục tiêu trở thành tàu vũ trụ tư nhân và phương tiện đầu tiên do Nhật Bản chế tạo hạ cánh nhẹ nhàng trên Mặt Trăng. Tuy nhiên, nỗ lực đó dường như không thành công. iSpace mất liên lạc với Hakuto-R khi tàu được lên lịch đáp xuống bề mặt Mặt Trăng vào 12h40 ngày 25/4 (0h40 ngày 26/4 theo giờ Hà Nội).
“Vì vậy, chúng tôi phải xác nhận chúng tôi chưa hoàn thành hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng”, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành iSpace, Takeshi Hakamada chia sẻ. Công ty sẽ tiếp tục tìm cách liên lạc với tàu đổ bộ và xác định điều gì xảy ra.
Nếu lần thử hôm 25/4 thực sự thất bại, các tàu thăm dò do chính phủ Mỹ, Nga và Trung Quốc chế tạo vẫn là các tàu khám phá tự động duy nhất từng hạ cánh thành công trên thiên thể gần Trái Đất nhất. Hakuto-R là kết quả sau hơn một thập kỷ hoạt động của iSpace. Từ năm 2013 đến 2018, iSpace điều hành đội Hakuto tham gia Google Lunar X Prize, cuộc thi trao thưởng 20 triệu USD cho công ty tư nhân đầu tiên đưa tàu thăm dò tự động lên Mặt Trăng. Cuộc thi chấm dứt vào năm 2018 mà không có người thắng cuộc, nhưng iSpace vẫn tiếp tục phát triển tàu đổ bộ.
Tháng 12/2022, tàu Hakuto-R phóng trên tên lửa Falcon 9 của SpaceX trong nhiệm vụ thử nghiệm mang tên M1. Hakuto-R bay theo hành trình dài và tới quỹ đạo Mặt Trăng hôm 20/3. Tàu đổ bộ tìm cách đáp xuống bề mặt từ độ cao 100 km thông qua một loạt thao tác kéo dài khoảng một giờ.
Khu vực đổ bộ là nền miệng hố Atlas rộng 87 km nằm ở vùng Mare Frigoris của Mặt Trăng. Hakuto-R dường như đã vào đúng vị trí theo tín hiệu viễn trắc nhưng không thể hạ cánh. Tuy nhiên, Hakuto-R tiếp tục truyền dữ liệu về Trái Đất trong suốt quá trình. Theo Hakamada, đây là một trong nhiều cột mốc mà nhiệm vụ M1 đạt được.
M1 được thiết kế chủ yếu để chứng minh phần cứng nhằm hạ cánh trên Mặt Trăng của công ty hoạt động tốt nhưng Hakuto-R cũng mang nhiều thiết bị đa dạng. Một bộ pin thử nghiệm do công ty Nhật Bản Niterra chế tạo sẽ hoạt động trong điều kiện cực hạn trên tàu. Ngoài ra, Hakuto-R còn được lên lịch triển khai hai robot trên mặt đất, gồm robot biến hình Sora-Q do Cơ quan Khám phá Hàng không vũ trụ Nhật Bản phát triển và robot tự hành Rashid nặng 10 kg của cơ quan vũ trụ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.
Theo kế hoạch, iSpace hướng tới phóng nhiệm vụ hạ cánh lên Mặt Trăng thứ hai và ba trong năm 2024 và 2025. Hakuto-R không phải tàu tư nhân đầu tiên bay tới Mặt Trăng. CAPSTONE, một vệ tinh nhỏ do công ty Advanced Space ở Colorado chế tạo cho NASA tới quỹ đạo Mặt Trăng vào tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, CAPSTONE hoạt động trên quỹ đạo thay vì trên mặt đất.
An Khang (Theo Space)