Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Cầu đường sắt cao nhất thế giới

Cầu đường sắt Chenab bắc qua con sông cùng tên. Ảnh: CNN

Cầu đường sắt Chenab bắc qua con sông cùng tên. Ảnh: CNN

Cây cầu dài 1.315 m nằm trong dự án lớn hơn nhằm đưa mạng lưới đường sắt vào thung lũng Kashmir. Ngoài cầu Chenab, dự án tuyến đường Udhampur-Srinagar-Baramulla (USBRL) còn bao gồm hầm giao thông dài nhất cả nước và cầu cáp treo đầu tiên của đường sắt Ấn Độ, theo CNN.

Đối với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cầu Chenab và dự án USBRL là cách hữu dụng để tăng cường gắn kết xã hội, nối những vùng hẻo lánh với thành phố lớn. Nối Kashmir và phần còn lại của Ấn Độ bằng đường sắt sẽ củng cố phát triển công nghiệp và nông nghiệp trong vùng.

Trước đây, tuyến đường bộ duy nhất chạy giữa Kashmir và cả nước là đường quốc lộ Srinagar-Jammu ngoằn ngoèo dài 300 km, đóng vào mùa đông và thường xảy ra tai nạn giao thông, theo Anil Kumar Mehendru, phó chủ tịch Hiệp hội hoa quả New Kashmir. Sushant Singh, chuyên gia ở Trung tâm nghiên cứu chính sách tại Ấn Độ cho biết cần thêm thời gian để xem xét cây cầu đường sắt có mang lại ảnh hưởng tích cực cho Kashmir hay không.

Dù dự án USBRL ra đời vào năm 2002 trước khi ông Modi trở thành thủ tướng, cầu Chenab là ví dụ chủ chốt cho nỗ lực mở rộng phát triển đất nước của ông. Từ khi nắm quyền, Modi đã tăng ngân sách cho dự án USBRL thêm gần 100 triệu USD để đẩy nhanh tốc độ hoàn thành cây cầu sau nhiều năm trì hoãn.

Ấn Độ đầu tư hàng trăm triệu USD vào hiện đại hóa cơ sở hạ tầng. Hồi tháng 2/2023, Modi khánh thành đoạn đầu tiên của đường cao tốc 1.386 km nối thủ đô New Delhi với trung tâm tài tính Mumbai. Chỉ riêng đoạn đường dài 246 km này đã tiêu tốn 1,4 tỷ USD. Quá trình xây dựng hành lang vận chuyển hàng hóa phía tây cũng đang diễn ra, giúp giảm bớt áp lực cho mạng lưới đường sắt Ấn Độ.

An Khang (Theo CNN)

Leave a Comment

0.0/5