3 năm trước, Covid-19 tàn phá kinh tế Mỹ theo cách mà không sách vở nào đoán trước được. Các đợt phong tỏa và bùng phát dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo lạm phát Mỹ lên cao nhất 40 năm, khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới phải nâng lãi suất. Các nhà kinh tế học từ nhiều tháng nay đã dự báo suy thoái chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tuy nhiên, kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng. Thị trường việc làm vẫn mạnh. Người tiêu dùng cũng đang tiếp tục chi tiêu.
Đây chính là thời điểm các mâu thuẫn nảy sinh. Hàng loạt công ty lớn thông báo sa thải gần đây, từ Walmart, Disney, Amazon, 3M, General Motors đến Meta Platforms. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ vẫn tạo thêm tới 1,2 triệu việc làm mới trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức thấp nhất kể từ 1969.
Hoạt động tuyển dụng ở Thung lũng Silicon đang đóng băng, nhưng nhu cầu nhân lực ngành công nghệ ở những nơi khác vẫn còn rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực hệ thống máy tính và dịch vụ tin học. Lĩnh vực xây dựng cũng đang bật lên. Chính phủ Mỹ cho biết trong tháng 4, số người được tuyển dụng trong ngành này lên kỷ lục 7,9 triệu.
Bên cạnh đó, sau nhiều thập kỷ tăng trưởng lương ì ạch, người lao động Mỹ hiện được hưởng mức tăng lương kỷ lục, đặc biệt là với nhóm thu nhập thấp. Báo cáo việc làm do Bộ Lao động Mỹ công bố tuần trước cho thấy trong tháng 4, lương trung bình tại Mỹ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu tháng 3 cũng tương tự.
Lương nhân công tại Mỹ duy trì mức tăng trên 4% hàng tháng kể từ giữa năm 2021. Các doanh nghiệp khó tìm lao động do đại dịch, xu hướng nghỉ hưu sớm và lao động nhập cư bị hạn chế. Hàng loạt công ty đã phải tăng lương thưởng, phúc lợi để giữ chân và tuyển thêm nhân viên.
Dù vậy, mức tăng lương hiện tại được coi là quá mạnh so với mục tiêu lạm phát của Fed. Trong họp báo tuần trước sau khi nâng lãi suất, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết mức tăng 3% “sẽ gần với mốc họ cần” để kéo lạm phát về 2%.
Lương tăng làm cuộc chiến chống lạm phát thêm phức tạp. Tuy nhiên, việc này lại giúp củng cố tiêu dùng và ngăn suy thoái.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã có một mùa đông ấm áp, nhờ kỳ vọng nền kinh tế đang trên đà “hạ cánh mềm”. Tăng trưởng và lạm phát đều đã hạ nhiệt, nhưng không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Bên cạnh đó, Fed dường như sắp kết thúc chu kỳ nâng lãi.
Goldman Sachs dự báo khả năng suy thoái là 35%. Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nền kinh tế có thể tránh được suy thoái.
“Quan điểm của tôi là xác suất tránh được suy thoái còn cao hơn. Nhưng tôi cũng không loại trừ khả năng xấu. Chúng ta vẫn có thể rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ”, ông cho biết trước báo giới sau quyết định nâng lãi mới nhất.
Hiện tại, khả năng hạ cánh mềm của Mỹ lại bị thách thức bởi 2 vấn đề: khủng hoảng ngân hàng địa phương sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank và cuộc chiến trần nợ công giữa các chính trị gia. Biến động trong ngành ngân hàng dường như đã lắng dịu, nhưng cuộc chiến trần nợ lại đang ngày càng nóng lên.
Không như nhiều nước phát triển khác, Mỹ áp giới hạn nghiêm ngặt về số tiền chính phủ có thể đi vay. Vì chính phủ chi nhiều hơn thu, các nhà hoạch định chính sách nước này phải nâng trần nợ định kỳ.
Hôm 8/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu Quốc hội không nâng trần nợ công. Đây không phải lần đầu tiên bà đưa ra cảnh báo này. Mỹ đã chạm trần nợ từ tháng 1.
Cuối tháng 4, Yellen cho biết nếu Mỹ vỡ nợ, người dân sẽ mất việc, các khoản thanh toán nợ mua nhà, mua xe và thẻ tín dụng sẽ tăng lên. “Việc Mỹ vỡ nợ sẽ gây ra một thảm họa về kinh tế và tài chính. Nó cũng làm tăng chi phí đi vay. Các khoản đầu tư trong tương lai sẽ trở nên đắt đỏ hơn đáng kể”, bà cảnh báo.
Dù vậy, thị trường chứng khoán Mỹ dường như chưa nao núng. Chỉ số S&P 500 năm nay đã tăng gần 8%. Nasdaq Composite thậm chí tăng 17%.
“Tôi cho rằng vài tuần tới sẽ rất khó khăn”, Seema Shah – chiến lược gia toàn cầu tại Principal Global Investors nhận xét, “Nếu thị trường chứng khoán vẫn vững chắc, Quốc hội sẽ không cảm thấy có sức ép phải đạt thỏa thuận trần nợ. Phải có sự hoảng loạn, như năm 2011 hay 2013, quá trình này mới đẩy nhanh được”.
Năm 2011, Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận nâng trần nợ chỉ 2 ngày trước thời hạn mà Bộ Tài chính Mỹ ước tính ngân sách sẽ cạn kiệt. Khi đó, các thị trường tài chính trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2008. 2011 cũng là năm đầu tiên và duy nhất Mỹ bị đánh tụt xếp hạng tín nhiệm. Năm 2013, cuộc chiến trần nợ công thậm chí khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa.
Lần này, theo Greg Valliere – chiến lược gia chính sách Mỹ tại AGF Investments – các thị trường tài chính vẫn chưa cho thấy sự lo ngại lớn và có thể lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ lên cao hơn.
“Nhưng tôi nghĩ tâm lý trên thị trường chứng khoán đang như trong truyện ngụ ngôn ‘Chú bé chăn cừu’. Họ nghĩ rồi mọi việc sẽ được giải quyết vào giờ chót, như những lần trước”, ông nhận định.
Hà Thu (theo CNN)