Chùa Thanh Mai nằm trên sườn núi Tam Ban, thuộc xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh. Qua khảo sát, Hội Khảo cổ học Việt Nam và Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc phát hiện ba khu di tích nằm phía trên chùa, hướng lên đỉnh dãy Yên Tử. Từ năm 2021 đến nay, Hội Khảo cổ và tỉnh Hải Dương đã khai quật khu vực Thanh Mai 2, cách chùa Thanh Mai hiện nay khoảng 100 m.
Theo thông báo đầu tháng 5, đoàn khảo cổ đã phát hiện nhiều lớp di tích, di vật của nhiều thời kỳ lịch sử, kéo dài 700 năm. Trong đó, có lớp kiến trúc được xây dựng hoàn toàn bằng đá, được xác định có từ thời nhà Trần (thế kỷ 14). Ngoài ra, còn 113 vật liệu xây dựng như đá, gạch, ngói (sen kép, sen đơn, mũi trờn, mũi lá) và 98 đồ sinh hoạt là sành, gốm từ thời nhà Trần cũng được tìm thấy.
Từ kết quả này, đoàn khai quật nhận định chùa Thanh Mai cổ được xây dựng từ thời nhà Trần (trước năm 1329), trùng tu kiên cố thời Lê Trung Hưng và tồn tại đến thời nhà Nguyễn.
Đoàn khảo cổ đánh giá kiến trúc thời Trần còn nguyên gốc ở khu vực Thanh Mai 2 tương ứng với các ghi chép trong tài liệu, thư tịch cổ về việc thiền sư Pháp Loa (đệ nhị tổ thiền phái Trúc Lâm) đã tu tập, phát triển chùa Thanh Mai và thiền sư Huyền Quang (đệ tam tổ thiền phái Trúc Lâm) trụ trì tại chùa vào năm 1330.
Phát hiện trên xác nhận sự hình thành con đường hành hương mới của Phật giáo Trúc Lâm từ chùa Thanh Mai dẫn lên đỉnh Yên Tử. Đây là tư liệu quan trọng để hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO xếp hạng quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản văn hóa thế giới.
Trước đó tháng 1/2021, Chính phủ giao tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO xem xét, ghi vào danh mục di sản thế giới. Phạm vi nghiên cứu xây dựng hồ sơ gồm các khu di tích và danh lam thắng cảnh: Yên Tử, Đông Triều, Bạch Đằng (Quảng Ninh); Côn Sơn – Kiếp Bạc – chùa Thanh Mai, An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương (Hải Dương) và Tây Yên Tử (Bắc Giang).