Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nhiều doanh nghiệp điện gió thua lỗ

Điện gió từng là lĩnh vực tiềm năng “hút” vốn, nhưng những thay đổi chính sách với dự án không kịp vận hành thương mại trước ngày 31/12/2020 để hưởng giá ưu đãi trong 20 năm, khiến kết quả kinh doanh nhiều đơn vị đậm màu ảm đạm.

Phần lớn dự án báo cáo lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) kinh doanh thua lỗ đều tập trung ở Nam Trung Bộ (gồm Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ) – khu vực từng ghi nhận thực trạng bùng nổ điện gió, công suất vượt quy hoạch vài năm trước.

Là đơn vị vận hành nhà máy điện gió Ea Nam (Đắk Lắk), công suất 400 MW – công trình điện gió lớn nhất cả nước, Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 lỗ gần 860 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn một tỷ đồng. Vận hành hai dự án cùng tên tại Gia Lai – Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa số 1 và Ia Pết Đak Đoa số 2 cũng nối dài danh sách dự án lỗ trăm tỷ.

Ngoài ra, ngành điện gió còn ghi nhận hàng loạt doanh nghiệp báo lợi nhuận âm hàng chục tỷ đồng, như Phong điện Chơ Long, Điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1, Phong điện Yang Trung.

Trong số các doanh nghiệp kể trên, 3 đơn vị không hoàn thành dự án kịp tiến độ để hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm, còn lại đều là những dự án về đích đúng hạn. Tuy nhiên, các dự án chậm tiến độ lại có mức lỗ thấp so với nhóm được hưởng giá FIT, trừ Phong điện Yang Trung.

Điểm chung của các doanh nghiệp dự án điện gió thua lỗ là sử dụng đòn bẩy tài chính thông qua huy động lượng lớn vốn vay từ trái phiếu doanh nghiệp. Công thức chung khi huy động trái phiếu của nhóm này là trả lãi suất cao (9-10,75% một năm) trong giai đoạn đầu, sau đó thả nổi theo lãi suất tham chiếu. Báo cáo gửi HNX của các đơn vị này đều ghi nhận hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu từ 4 lần trở lên, có doanh nghiệp nợ cao hơn vốn 5-6 lần.

Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 – dự án lỗ nhất nhóm này, đang gánh nợ hơn 12.100 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, dự nợ trái phiếu đang lưu hành gần 9.900 tỷ đồng, chiếm trên 80%. Năm ngoái, doanh nghiệp này chi gần 1.140 tỷ đồng để thanh toán lãi và gốc cho trái phiếu. Số tiền trên tương đương gần 40% vốn chủ sở hữu dự án.

Không chỉ chủ quản nhà máy điện gió Ea Nam, phần lớn doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính đợt này đều có tỷ lệ vay nợ bằng trái phiếu lớn. Trong bối cảnh lãi suất điều hành tăng liên tục vào năm trước, các doanh nghiệp phải dùng hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để thanh toán lãi và gốc các lô trái phiếu đã huy động. Với một số doanh nghiệp, số tiền trên vượt hơn một nửa vốn chủ sở hữu.

Chi phí tài chính cao bào mòn lợi nhuận từng được giới phân tích cảnh báo. Với các doanh nghiệp điện gió được hưởng chính sách ưu đãi, giá mua điện sẽ cố định trong 20 năm. Trong khi đó, trái phiếu phát hành lại có lãi suất thả nổi. Trường hợp lãi suất tham chiếu tăng mạnh như 2022, khả năng thua lỗ của các dự án sẽ tái diễn.

Với nhóm dự án không được hưởng giá FIT, rủi ro cao hơn. Một mặt các doanh nghiệp này phải gánh chi phí tài chính lớn, mặt khác chịu áp lực khi khung giá phát điện tái tạo mới của Bộ Công Thương ở mức thấp hơn 20-30% so với trước đây.





Một dự án điện gió ở Ninh Thuận. Ảnh: Quỳnh Trần

Một dự án điện gió ở Ninh Thuận. Ảnh: Quỳnh Trần

Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.

Gần nhất, 23 nhà đầu tư có các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa kịp vận hành thương mại, kiến nghị Thủ tướng những bất cập trong cơ chế đàm phán giá với EVN theo khung giá của Bộ Công Thương. Họ cho rằng giá mua điện tạm thời thấp, không quá 50% giá trần khung giá mới sẽ khiến doanh nghiệp “chết lâm sàng”.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), khung giá mới cho điện tái tạo chuyển tiếp giảm sâu dẫn đến dòng tiền và lợi nhuận âm, doanh nghiệp không đủ chi trả cho các khoản chi phí hoạt động, nhất là chi phí lãi vay và nợ gốc trong cùng kỳ theo năm tài chính.

ACBS ước tính tổng chi phí lãi vay và nợ gốc của 34 dự án chậm tiến độ gần 10.000 tỷ đồng, trong khi đó lãi trước thuế, khấu hao và lãi vay quanh mốc 9.000 tỷ. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ ghi nhận dòng tiền âm trung bình hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng, chưa gồm các chi phí khác như sửa chữa, bảo dưỡng, trượt giá, thuế và lạm phát.

Nhóm phân tích VNDirect từng khuyến cáo các doanh nghiệp điện tái tạo chuyển tiếp cần nỗ lực cắt giảm chi phí hoạt động, đầu tư và lãi vay để tăng hiệu quả sinh lời.

Tất Đạt

Leave a Comment

0.0/5