Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

TP HCM cần phát triển đô thị vệ tinh dọc metro

Ý kiến được ông Shin Kimura, Cơ quan Phục hưng đô thị Nhật Bản (URA), đưa ra tại hội thảo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và quan hệ đối tác công tư cho hệ thống metro TP HCM, ngày 12/5.





Đoàn tàu của Metro số chạy thử đoạn trên cao qua khu vực đô thị ở TP Thủ Đức, tháng 4/2022. Ảnh: Đình Văn

Đoàn tàu của Metro số chạy thử đoạn trên cao qua khu vực đô thị ở TP Thủ Đức, tháng 4/2022. Ảnh: Đình Văn

TOD là mô hình lấy định hướng phát triển giao thông công cộng để quy hoạch, xây dựng đô thị. Trong đó, các đầu mối giao thông như khu vực ga metro sẽ là hạt nhân để tập trung dân cư, phát triển đồng bộ giữa đô thị và giao thông.

Theo ông Shin Kimura, đây là một trong giải pháp giúp chỉnh trang đô thị, bổ sung vốn làm các dự án, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị cần nguồn kinh phí rất lớn. Tại Nhật Bản, hệ thống metro được triển khai từ sớm và giải pháp phát triển đô thị theo mô hình TOD đã áp dụng ở nhiều tuyến, hiệu quả rất cao. Hiện, xung quanh nhiều ga metro được thiết kế đô thị hiện đại, bố trí trung tâm thương mại, quảng trường, công viên, bãi đậu xe… phục vụ đi lại cùng các tiện ích cho người dân.

Dẫn chứng tại Tokyo, ông cho biết nhu cầu nhà ở rất lớn nên thành phố trước đây đã tính đến giải pháp hình thành và phát triển các khu đô thị mới vùng ngoại ô, kết nối vào bên trong thông qua hệ thống metro. Đây cũng là giải pháp giãn dân, hạn chế “nén” quá nhiều ở vùng lõi đô thị.

Tuy nhiên, ông Shin Kimura cho biết để thực hiện phương án trên, khi xây dựng metro, chính quyền cần quy hoạch lại đất và bổ sung cơ sở hạ tầng để tăng giá trị. Việc thu hồi đất của người dân cần cơ chế phù hợp, đảm bảo hài hoà lợi ích các bên, như xây dựng chính sách cụ thể trong việc thu mua lại đất rồi quy hoạch để đồng bộ giữa việc phát triển đô thị và làm các tuyến metro.

“Sau khi điều chỉnh quy hoạch, các khu đất sẽ trở nên vuông vắn, kết hợp hạ tầng kèm theo sẽ làm giá trị tăng lên rất nhiều. Diện tích đất của người dân có thể thu hẹp, nhưng giá trị lại cao hơn ban đầu, trong khi nhà nước có thêm diện tích để triển khai công trình công cộng”, ông Shin Kimura nói và cho rằng mô hình TOD sẽ mở ra đô thị sôi động với nhiều tiện ích công cộng. Giải pháp này ngoài giúp phát triển, chỉnh trang đô thị cũng là nguồn lực tài chính rất lớn để phát triển các dự án đường sắt đô thị khác.





Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại hội thảo, ngày 12/5. Ảnh: Gia Minh

Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại hội thảo, ngày 12/5. Ảnh: Gia Minh

Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường, thành phố đã trình nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đang chờ thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới. Trong nhiều nội dung, thành phố kiến nghị được thí điểm mô hình TOD gắn với quy hoạch đô thị vùng phụ cận, nhà ga thuộc metro. Khi được thông qua, TP HCM sẽ là nơi đầu tiên thí điểm mô hình trên, với hạt nhân là đường sắt đô thị.

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), nói việc triển khai các dự án metro không có thành phố nào trên thế giới phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay nước ngoài cũng như dùng ngân sách bù lỗ thông qua hoạt động trợ giá. Do đó, TP HCM từ lâu đã tính khai thác quỹ đất, không gian dọc tuyến theo mô hình TOD.

Theo ông, quy hoạch đô thị theo định hướng là động lực và giải pháp phát triển hệ thống metro ở thành phố. Mô hình này khi triển khai giúp hình thành các “đô thị nén” quanh nhà ga, kết hợp không gian công cộng. Điều này sẽ kéo theo nhu cầu đi lại lớn thông qua metro, giúp khai thác hiệu quả tuyến. Mô hình trên là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo giá trị lớn cho các khu đất xung quanh các nhà ga, bổ sung nguồn vốn để tái đầu tư hạ tầng.

“Hiện các tuyến metro ở thành phố đã quy hoạch nhưng việc thu hồi đất dọc bên chỉ có thể thực hiện theo đúng ranh dự án mà không thể mở rộng thêm để triển khai mô hình TOD”, ông Hiển nói và cho rằng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 nếu được thông qua sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố thí điểm mô hình TOD, giúp thu hồi, chỉnh trang các khu đất quanh nhà ga metro.

Theo quy hoạch, TP HCM có 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường một ray với tổng chiều dài 220 km, tổng mức đầu tư gần 26 tỷ USD. Trong đó, thành phố hiện mới triển khai hai dự án là Metro số 1 với tổng vốn hơn 43.700 tỷ đồng và giai đoạn một tuyến Metro số 2, đoạn Bến Thành – Tham Lương, tổng vốn gần 47.900 tỷ đồng.

Gia Minh

Leave a Comment

0.0/5