Chiều muộn, người dân xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành vẫn nán lại cầu mới hoàn thành, hoà cùng niềm vui khánh thành công trình mới. “Ai cũng trầm trồ khen cầu mới quá ngon lành”, bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng ấp Phú Thạnh, chia sẻ.
Nhớ về cầu cũ, ông Huỳnh Văn Nhượng, cho biết cầu bê tông trước đây nhỏ hẹp, đã xây hơn 20 năm, chỉ vừa một xe ba gác đi qua. Vì xây khá dốc, người bên này khó trông thấy bên kia có người đồng thời di chuyển qua. Đến giữa cầu phát hiện, một bên phải tuột dốc trong khó khăn. “Nhiều ngả đường đi qua cây cầu này. Cầu nhỏ hẹp, hư hỏng. Ai đi qua cũng than khó”, ông Nhượng nói.
Đáp ứng nguyện vọng của người dân, cầu mới được xây với sự chung tay của quỹ Hy vọng, chính quyền địa phương… Những ngày thi công, người dân dọc tuyến Rạch Ấp xúm lại góp công xây cầu, nấu ăn, làm nước thiết đãi thầy, thợ. Sau ba tháng khởi công, ngày cầu khánh thành cũng là lúc hàng trăm người dân thỏa lòng mơ ước bấy lâu. Cầu mới thiết kế bê tông, dài 50 m, rộng 3,7 m, kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng, trong đó quỹ Hy vọng tài trợ 200 triệu đồng, còn lại do địa phương đối ứng.
Người dân sống quanh cầu Vàm Rạch Nước Trong (huyện Lai Vung) cũng đang chờ mong ngày cầu hoàn thành. Dự lễ khởi công hôm 16/5, ông Nguyễn Văn Sang, kể cầu cũ nhỏ hẹp, người làm vườn phải chở nông sản bằng xuống máy hoặc đẩy từng xe nhỏ qua cầu. Lưu thông trắc trở nên ông cùng hàng chục nông dân khác thường bị ép giá bán, nông sản dù trúng mùa cũng chẳng thể vui trọn vẹn.
“Xoài, cam, bưởi hàng chục tấn phải đẩy từng xe rùa vài chục kg qua cầu, cực dữ lắm”, ông Sang nói. Bởi thế, cầu mới khởi công (cầu Hy Vọng 297) khiến nhiều người vui mừng, sắp tới đi lại thuận lại, làm vườn làm ruộng đều dễ dàng hơn. Cùng với cầu Hy Vọng 300 và 297, 12 cầu khác cũng khánh thành và khởi công tại hai địa phương Châu Thành và Lai Vung, ngày 16/5.
Anh Lê Hoàng Quyết, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, người đồng hành xuyên suốt chặng đường xây cầu, cho biết dự án của quỹ Hy vọng đã nối các nhịp cầu theo ước vọng của bà con nhân dân.
Ngoài ra, quỹ cũng luôn đồng hành cùng với địa phương, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của người dân, mang đến những công trình có ý nghĩa bền vững, giá trị lâu dài cho cộng đồng. “Những chiếc cầu nối liền đôi bờ là niềm vui chung của người dân, được thể hiện rõ qua những chia sẻ, nụ cười khi chúng tôi đi khởi công và khánh thành các cầu Hy Vọng”, anh chia sẻ.
Bà Trương Thanh Thanh – Chủ tịch quỹ Hy Vọng, cho biết cách đây 5 năm quỹ chỉ hy vọng xây được 100 cây cầu cho người dân nông thôn nhưng đến cuối năm nay con số có thể lên đến 350. Theo bà, kết quả ngoài mong đợi này đến từ sự đồng lòng, chung sức không chỉ của mạnh thường quân thông qua quỹ Hy vọng mà còn của bà con địa phương, chính quyền các cấp.
Bà cũng rất ấn tượng với các đội xây cầu thiện nguyện cùng đồng hành. “Ở đâu chúng tôi đều gặp các cô, các chú, các bác cùng nhau xây cầu từ thiện – điểm rất đặc trưng của người dân Nam bộ”, bà Thanh chia sẻ.
Để cùng quỹ Hy vọng nâng cao chất lượng sống cho người dân đồng bằng Sông Cửu Long, độc giả có thể xem thêm thông tin về dự án và đồng hành tại đây.
Ngọc Tài