Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tương lai chính trường Thái Lan sau cuộc bầu cử chấn động

Các đảng đối lập có chủ trương cải cách và phản đối ảnh hưởng của quân đội đang giành được ưu thế áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử Thái Lan diễn ra ngày 14/5. Với 99% số phiếu đã kiểm xong, hai đảng Move Forward và Pheu Thai giành số phiếu áp đảo và được dự báo sẽ mở ra một thời kỳ mới trong chính trường Thái Lan.

Đảng Move Forward, mới thành lập vào năm 2020, gây bất ngờ khi giành được 151 ghế Hạ viện, còn đảng Pheu Thai, có liên hệ mật thiết với gia tộc chính trị Shinawatra, xếp thứ hai với 141 trong tổng số 500 ghế tại Hạ viện.

Xếp thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử là đảng Bhumjaitai với 71 ghế. Đảng United Thai Nation của Thủ tướng đương nhiệm Thái Lan Prayut Chan-ocha xếp thứ năm với 36 ghế. Nếu Move Forward và Pheu Thai bắt tay với nhau, họ sẽ có cơ hội rất lớn để thành lập liên minh cầm quyền.

Lãnh đạo đảng Move Forward Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, ngày 15/5 nói ông sẵn sàng liên minh với Pheu Thai, song vẫn đặt mục tiêu trở thành thủ tướng. Trong khi đó, Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu thủ tướng Thaksin và là một trong ba ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thai, cho rằng còn quá sớm để các bên thảo luận phương án bắt tay lập chính phủ liên minh.

“Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Move Forward. Tuy nhiên, mọi người đang chờ kết quả bầu cử chính thức. Tôi rất vui mừng cho đảng bạn. Chúng ta có thể làm việc cùng nhau”, Paetongtarn Shinawatra nói, nhưng cũng thừa nhận rằng đảng có nhiều phiếu nhất nên giữ quyền lãnh đạo đất nước.





Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward và là ứng viên thủ tướng, được vây quanh với đông đảo người ủng hộ là cử tri trẻ tuổi, tại sự kiện ngày 12/5 ở Bangkok. Ảnh: AFP

Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward và là ứng viên thủ tướng, đứng giữa đám đông ủng hộ tại sự kiện ngày 12/5 ở Bangkok. Ảnh: AFP

Mức ủng hộ dành cho Move Forward tăng vọt trước thềm tổng tuyển cử nhờ đảng đẩy mạnh thông điệp cải cách triệt để như cam kết giảm vai trò của quân đội trong hệ thống chính trị và nới lỏng luật khi quân, vốn bị chỉ trích là công cụ để kiểm soát bất đồng trong dư luận.

Luật khi quân được chính quyền quân sự, sau đó là chính quyền dân cử của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, áp dụng quyết liệt kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Điều 112 trong Bộ luật Hình sự Thái Lan quy định mức tù 3-15 năm đối với mọi trường hợp bị cho là “bôi nhọ, xúc phạm hay đe dọa nhà vua, hoàng hậu, thái tử hoặc thái tử phi”.

Pheu Thai, đảng có mối liên hệ mật thiết với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ năm 2006, vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri thuộc tầng lớp lao động phổ thông. Tuy nhiên, Pheu Thai không cam kết điều chỉnh luật khi quân, mà chỉ hứa sẽ đưa nội dung này ra thảo luận tại quốc hội.

Giới quan sát cho rằng đây là một trong những lý do khiến bà Paetongtarn để mất nhiều phiếu từ cử tri trẻ về tay Move Forward.

Nhờ cương lĩnh cải cách quyết liệt, đảng Move Forward của Pita Limjaroenrat giành được gần như toàn bộ 33 ghế nghị sĩ đại diện thủ đô Bangkok, kết quả mà những người lạc quan nhất trong đảng cũng khó hình dung được trước ngày 14/5.

“Pheu Thai đã chọn sai đấu pháp. Họ đánh vào mặt trận dân túy, nhưng điều này lại không cần thiết do họ vốn dĩ đã nắm chắc phần thắng. Move Forward đặt cược lớn hơn với cam kết cải cách hiến pháp. Đây chính là chiến trường mới của nền chính trị Thái Lan”, Thitinan Pongsudhirak, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nhận định.

Theo ông Thitinan, quá trình đàm phán trong vài tuần tới giữa các phe phái trên chính trường Thái Lan nhằm chọn ra tân thủ tướng sẽ quyết định canh bạc của Pita Limjaroenrat và đảng Move Forward có thành công hay không.

Quốc hội Thái Lan sẽ họp vào tháng 7, trong đó 500 nghị sĩ mới được bầu của Hạ viện sẽ cùng 250 thượng nghị sĩ do chính quyền quân sự chỉ định lựa chọn thủ tướng mới và thành lập chính phủ.

Mỗi đảng muốn đề cử ứng viên thủ tướng cần có tối thiểu 25 ghế tại Hạ viện. Thủ tướng mới của Thái Lan sẽ phải có ít nhất 376 phiếu ủng hộ tại lưỡng viện.

250 thượng nghị sĩ Thái Lan do chính quyền quân sự chỉ định nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu cho ứng viên thân thiện với quân đội. Ngay cả khi Move Forward và Pheu Thai bắt tay nhau, họ chỉ mới đảm bảo được 292 phiếu cho ứng viên thủ tướng mà hai đảng cùng đề cử.

Điều này đồng nghĩa những đảng có số phiếu khiêm tốn hơn như Bhumjaitai có thể giữ vai trò định đoạt cục diện chính trường Thái Lan trong vài tuần tới.

Để nắm chắc phần thắng, Move Forward sẽ phải thương thảo với Pheu Thai về khả năng thành lập liên minh cầm quyền, đồng thời hy vọng thuyết phục được một số thượng nghị sĩ thân quân đội quay sang ủng hộ mình.

Đảng Pheu Thai từng trải qua “kịch bản cay đắng” trong cuộc bầu cử năm 2019. Họ giành được số ghế cao nhất ở Hạ viện nhưng không thể thành lập được chính phủ cầm quyền. Ông Prayuth, cựu tư lệnh lục quân Thái Lan tiến hành cuộc đảo chính năm 2014, cuối cùng vẫn được bầu làm thủ tướng nhờ đàm phán lập liên minh 19 đảng, dẫn đầu bởi đảng Palang Pracharath do quân đội chống lưng.





Bà Paetongtarn Shinawatra (giữa) và ông Srettha Thavisin (thứ ba từ trái sang), hai ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thai, phát biểu tại Bangkok ngày 14/5. Ảnh: AFP

Bà Paetongtarn Shinawatra (thứ hai từ trái sang), ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thai, phát biểu tại Bangkok ngày 14/5. Ảnh: AFP

Saowanee T. Alexander, giáo sư tại Đại học Ubon Ratchathani ở đông bắc Thái Lan, nhận định kết quả gây chấn động của cuộc tổng tuyển cử lần này cho thấy người dân Thái Lan mong muốn thay đổi thực chất sau 9 năm phe quân đội nắm quyền dưới những hình thức khác nhau.

Dù vậy, Alexander cảnh báo chính trường Thái Lan hiện nay vẫn “rất khó đoán” khi Ủy ban Bầu cử (EC) nắm giữ quyền lực lớn và có thể đơn phương xoay chuyển cục diện.

EC sau vài tuần nữa mới công bố kết quả kiểm phiếu chính thức và thống kê số ghế mỗi đảng giành được ở Hạ viện. Trong cùng thời gian đó, họ sẽ xử lý khiếu nại từ ứng viên đảng Palang Pracharath, được nộp ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử, cáo buộc ông Pita Limjaroenrat không công khai đầy đủ tài sản khi tranh cử.

Khiếu nại còn được gửi đến Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC), cơ quan cũng do phe quân đội chi phối và từng tiến hành cuộc điều tra nhắm vào cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra. Lãnh đạo đảng Move Forward kiên quyết khẳng định ông không làm điều gì trái pháp luật, cho rằng đối phương thổi phồng tính nghiêm trọng của vấn đề vốn chỉ mang tính thủ tục.

Thanathorn Juangroongruangkit, lãnh đạo đảng Future Forward, tiền thân của đảng Move Forward, từng rơi vào rắc rối pháp lý tương tự với EC sau cuộc bầu cử năm 2019. Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Thanathorn trước kỳ họp lưỡng viện bầu thủ tướng, sau đó ra phán quyết giải thể đảng Future Forward vì sai phạm luật bầu cử vào đầu năm 2020.

Giới quan sát lo ngại kịch bản năm 2019 có thể tái diễn. Phe quân đội có thể sẽ tìm cách ngăn lực lượng cải cách lên nắm quyền ở Thái Lan, trong đó có kịch bản tiến hành cuộc đảo chính mới, dù tư lệnh lục quân Narongpan Jitkaewthae tuần qua bác bỏ viễn cảnh này.

Susannah Patton, giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Lowy tại Australia, cho rằng kết quả cuộc tổng tuyển cử đã thể hiện rõ nguyện vọng thay đổi của cử tri Thái Lan và các chính trị gia nước này sẽ khó phớt lờ điều đó.

“Bài học trong 20 năm qua với nền chính trị Thái Lan cho thấy: Nếu ai đó tìm cách vô hiệu hóa kết quả bầu cử, đất nước chắc chắn sẽ lún sâu hơn vào bất ổn và phân cực”, Patton cảnh báo.

Thanh Danh (Theo Channel NewsAsia, Al Jazeera, AP)

Leave a Comment

0.0/5