Kiến nghị bỏ trần giá vé máy bay từng được giới chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra nhiều lần trước đây. Đầu năm nay, một lần nữa họ đề nghị thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, trong đó tiến tới bỏ trần giá vé nhằm giúp các hãng có thể tự cân đối, bù đắp mọi chi phí đầu vào ngày càng tăng, cũng như lấy giai đoạn cao điểm bù thấp điểm, nâng cao chất lượng phục vụ.
Tại báo cáo giải trình Luật Giá (sửa đổi) gửi Quốc hội ngày 17/5, Chính phủ cho biết một số ý kiến đề nghị bỏ giá trần với dịch vụ cảng biển, vé máy bay, thậm chí có quan điểm đề nghị áp giá sàn vé máy bay.
Tuy nhiên, Chính phủ cho biết Luật Hàng không dân dụng và dự thảo Luật Giá hoàn chỉnh cơ chế định giá vé máy bay tới đây được chuyển từ khung giá sang giá tối thiểu, tức bỏ quy định giá sàn. Việc này nhằm khuyến khích cạnh tranh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ.
“Nếu bỏ giá trần sẽ dẫn tới không còn công cụ điều tiết giá với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa”, báo cáo giải trình của Chính phủ nêu.
Ngoài ra, dịch vụ hàng không nội địa là dịch vụ thiết yếu, tác động tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh. Nếu bỏ giá trần, các hãng sẽ đưa ra giá vé rất cao, nhất là một số tuyến cạnh tranh sẽ hạn chế vé trong giai đoạn cao điểm. Điều này có thể ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực xã hội.
“Với mặt bằng thu nhập bình quân của người Việt hiện nay, giá vé tăng cao sẽ làm giảm mức độ tiếp cận dịch vụ hàng không của người dân. Do đó, khi chưa đánh giá tác động thì chưa đủ căn cứ bỏ giá trần vé máy bay”, theo báo cáo Chính phủ.
Hiện, mỗi nước đưa ra cách quản lý giá vé máy bay khác nhau. Như Trung Quốc quản lý gián tiếp, trực tiếp với dịch vụ hàng không. Còn Indonesia lại đưa ra giá tối đa, hay cũng có nước để tự thị trường điều tiết.
Về dài hạn, theo Chính phủ, khi thị trường có nhiều hãng tham gia, cạnh tranh thực chất bằng vé giá rẻ, chất lượng dịch vụ và hành khách được quyền chọn mức giá theo nhu cầu, khả năng chi trả, khi đó mới phù hợp để bỏ trần giá vé.
Trần giá vé máy bay nội địa không thay đổi 8 năm nay, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến tăng mức trần từ quý II hoặc quý III với mức tăng trung bình 3,75% so với hiện tại.
Ngoài muốn giữ trần giá vé máy bay, Chính phủ cũng muốn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu dù nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ quỹ này. Bởi, Quỹ bình ổn xăng dầu là một trong những công cụ điều tiết giá trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.
“Trong bối cảnh hiện nay, việc bỏ quỹ này là chưa phù hợp vì thị trường xăng dầu ở Việt Nam chưa vận hành theo thị trường, còn điều tiết Nhà nước; chu kỳ điều hành giá trong nước còn dài và lượng dự trữ mỏng”, Chính phủ nêu quan điểm.
Thực tế, khi giá dầu thế giới biến động, Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán, giảm biên độ biến động và tác động tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo Chính phủ, ý kiến nhân dân về quỹ này hiện đa chiều, có người muốn bỏ nhưng cũng có quan điểm ủng hộ. Trong khi đó, quan điểm của các bộ, ngành, hiệp hội đều đồng tình giữ quỹ. Vì thế, Bộ Công Thương sẽ đánh giá, sửa quy định về quỹ trong quá trình sửa Nghị định 95/2021, đánh giá, sửa đổi quy định về quỹ để phù hợp thực tế.
Dự kiến Luật Giá (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận lần hai tại kỳ họp khai mạc ngày 22/5.