Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Chàng trai giúp nông dân bán lúa từ lúc chưa trổ bông

Đầu tháng 5, ngắm nhìn cánh đồng xanh mướt ở ven sông Thái Bình, xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, anh Bùi Ngọc Cường, 30 tuổi, tỏ ra vui mừng vì lúa tốt, sẽ cho sản lượng cao. Hai năm qua, cánh đồng này đã cung cấp khoảng 50 tấn thóc cho dự án sổ gạo Ngỗng mà anh Cường xây dựng.

Là con trai của một nông dân có tiếng ở huyện An Lão, anh Cường lựa chọn ngành học Chăn nuôi Thú y ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, cảm thấy “kiến thức trong trường vẫn đi sau nông dân” nên anh Cường quyết định du học Hà Lan.

Những ngày đầu du học, anh Cường tiếp cận mô hình làm nông nghiệp hay máy móc hiện đại với mục đích đưa về áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, càng tìm hiểu, anh nhận ra hệ thống sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chưa thành chuỗi bền vững, giữa nông dân và người tiêu dùng còn khoảng cách xa dẫn tới những vấn đề như được mùa mất giá, không kiểm soát được chất lượng sản phẩm.





Cường cùng người nông dân xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng  thu hoạch lúa trên ruộng rươi vào năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cường cùng người nông dân xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng thu hoạch lúa trên ruộng rươi vào năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chàng du học sinh đất Cảng nhận thấy kiến thức của mình dù đã xong đại học còn thua xa bạn học kém tuổi. Sinh viên bên đó thường dùng những năm cuối đi thực tế. Họ sang cả Việt Nam, vừa du lịch, vừa tìm hiểu kiến thức theo ngành học của mình.

Học các bạn, năm 2017, anh Cường về Việt Nam đi xuyên Việt bằng xe máy để tham quan, làm việc trực tiếp ở nhiều nông trại. Tại Hội An, anh gặp một mô hình thú vị, tạo ra nhiều nguồn thu cho nông dân bằng các hoạt động du lịch, giáo dục xung quanh đồng ruộng. “Mô hình đó gần với những ý tưởng đang ấp ủ nên tôi ở lại đây mấy tháng”, anh Cường nhớ lại.

Qua hai năm đi thực tế, anh Cường về Hải Phòng phát triển dự án bán nông sản hữu cơ với cây lúa ruộng rươi là sản phẩm chủ đạo, đặt tên gạo Ngỗng. “Trong ngỗng có chữ ngon của chất lượng, chữ nông của nông dân, nông sản và chữ ngông của tuổi trẻ, có dấu ngã của sự trải nghiệm, của sự đổi mối sáng tạo, chấp nhận khó khăn để mang nông sản chất đến với khách hàng”, anh giải thích.

Thực tế gạo trồng trên ruộng rươi (còn gọi gạo rươi) không phải là nông sản mới lạ. Ở những vùng rươi của Hải Phòng, Hải Dương hay Thái Bình, nông dân vẫn tận dụng từ tháng 1 đến 4 âm lịch khi ruộng để không để trồng lúa. Do phải giữ được môi trường sạch cho rươi nên khi canh tác lúa, người dân không sử dụng phân, thuốc bảo vệ hóa học. Gạo rươi vì thế sạch, thuần tự nhiên.

“Bố tôi cũng trồng lúa ruộng rươi. Có lúc thời điểm trong nhà có cả hàng tấn gạo, nhưng bán rất khó khăn. Cả trang trại mấy chục người ăn không hết, phải nấu cho gà, vịt, ngỗng”, anh Cường kể.

Để tìm ra giải pháp tốt nhất cho dự án của mình, ban đầu anh Cường đóng vai thương lái thu mua thóc. Hơn một năm trầy trật, dùng đủ mọi phương án quảng cáo, anh nhận ra việc thu mua lúa của nông dân, dự trữ rồi bán phát sinh nhiều rủi ro như tồn kho, đọng vốn khiến doanh nghiệp khó cam kết bao tiêu sản phẩm với nông dân, đẩy giá gạo rươi lên cao (giá thị trường 50.000-70.000 đồng/kg). Điều đó khiến nông dân, khách hàng, doanh nghiệp đều thiệt thòi, mất quá nhiều chi phí cho khâu trung gian. “Tôi cũng thiệt hại hơn một tỷ đồng”, anh cho biết.

Từ bài học ban đầu, anh Cường xây dựng mô hình kết nối giữa nông dân với khách hàng bằng sổ gạo. Cuốn sổ màu đỏ, được anh thiết kế, trang trí nhiều hình ảnh, khẩu hiệu cổ động thường thấy ở thời bao cấp là hợp đồng cam kết mua hàng giữa khách hàng với nông dân, được điều phối thông qua công ty của anh Cường và đơn vị khuyến nông địa phương.

Khách hàng khi lập sổ gạo sẽ thanh toán trước với giá ưu đãi hơn giá bán lẻ 22-35%. Cụ thể, khách mua qua sổ gạo 60 kg giá là 42.000 đồng/kg, 100 kg giá 39.000 đồng/kg, 200 kg giá giảm còn 36.000 đồng/kg. Thậm chí, anh Cường còn có loại sổ 500 kg dành cho các đơn vị, trường học với giá 33.000 đồng/kg.

Công ty anh Cường sẽ trả gạo cho khách hàng theo thời gian đăng ký. Gạo luôn được xát, đóng gói và đưa đến khách hàng từ một đến năm ngày để đảm bảo sự tươi mới. Khách được khuyến cáo chỉ lấy gạo đủ ăn trong vòng một tháng. Khi hết gạo trong sổ, khách hàng sẽ được mở sổ mới mà không lo sự thay đổi về giá.





Sổ gạo do anh Cường nghĩ ra để kết nối khách hàng với người nông dân. Ảnh: Lê Tân

Sổ gạo do anh Cường nghĩ ra để kết nối khách hàng với người nông dân. Ảnh: Lê Tân

Để khách hàng hiểu hơn về chất lượng gạo và cách thức hợp tác, anh Cường tổ chức tour thực tế “chuyến đi của Ngỗng” cho khách hàng đến thăm cánh đồng, trò chuyện với nông dân. “Khách hàng tin tưởng sẽ giới thiệu cho người thân, bạn bè. Đó là cách tôi quảng bá được sản phẩm với chi phí thấp nhất, qua đó hạ thấp được giá bán”, anh Cường cho hay.

Từ số lượng gạo khách hàng đã đăng ký, anh Cường ký hợp đồng với nông dân rồi mua thóc tươi ngay trên cánh đồng, đảm bảo không bị trà trộn. Nhờ có nguồn tiền trả trước của khách hàng, nông dân yên tâm sản xuất và có trách nhiệm hơn với sản phẩm mình làm ra. Cũng có một vài trường hợp giao sản phẩm không đảm bảo, anh Cường chủ động cắt hợp đồng.

Bản thân anh Cường cũng không bị áp lực quá nhiều từ tài chính nên bắt đầu mở rộng thêm các sản phẩm sạch khác. Anh bán thêm trứng, hoa quả theo kiểu “bia kèm lạc” với giá ưu đãi cho khách đã có sổ gạo. Việc này vừa tiêu thụ được sản phẩm cho nông dân, vừa giúp khách hàng có đồ ngon với giá tốt nhất. Đến nay, anh Cường đã phát triển được 1.000 sổ gạo Ngỗng, tiêu thụ mỗi năm 500 tấn gạo ST25 trồng trên ruộng rươi, đầm tôm.

Để đảm bảo nguồn cung, ngoài Hải Phòng, anh Cường đã kết nối với 200 hộ nông dân các xã ở Thái Bình, Kiên Giang, Cà Mau. Ông Triều, chủ 2 ha ruộng rươi, tham gia dự án gạo Ngỗng được hai năm cho biết: “Năm đầu tôi chỉ cấy một phần. Thấy đất được cải tạo, giá bán cho anh Cường cũng cao hơn bên ngoài nên năm nay tôi cấy toàn bộ diện tích”.

Tại các địa phương, anh Cường còn phối hợp với nhiều trung tâm khuyến nông để quản lý vùng nguyên liệu, đào tạo nghiệp vụ cho nông dân. Phối hợp cùng anh Cường từ năm 2019, ông Nguyễn Văn Tuân, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Bảo, đánh giá mô hình gạo Ngỗng có tiềm năng mở rộng vì liên kết chặt chẽ, có sự tham gia của nhà nông – nhà nước – nhà doanh nghiệp và khách hàng. Nông dân bán được lúa ổn định, không lo đầu ra, mất giá. Khách hàng được ăn gạo ngon, sạch, rõ nguồn gốc.

Từ thành công của gạo Ngỗng, anh Cường đang xây dựng kế hoạch áp dụng với các sản phẩm nông nghiệp khác, mục tiêu hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn, hữu ích cho cộng đồng, đảm bảo đầu ra cho nông dân và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Lê Tân



Leave a Comment

0.0/5