Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Phát hiện nước xung quanh sao chổi





Mô phỏng sao chổi 238P/Read cho thấy quá trình thăng hoa - băng nước bốc hơi khi tới gần Mặt Trời. Ảnh: NASA/ESA

Mô phỏng sao chổi 238P/Read cho thấy quá trình thăng hoa – băng nước bốc hơi khi tới gần Mặt Trời. Ảnh: NASA/ESA

Phát hiện mới là một bước đột phá khoa học của kính viễn vọng không gian James Webb, đánh dấu lần đầu tiên khí, trong trường hợp này là hơi nước, được tìm thấy xung quanh sao chổi 238P/Read, Space hôm 16/5 đưa tin. Điều này rất quan trọng vì nó cho thấy nước trong hệ Mặt Trời sơ khai có thể được bảo tồn dưới dạng băng trong vành đai tiểu hành tinh chính.

“Trước đây, chúng tôi đã thấy các vật thể trong vành đai chính với đủ đặc điểm của sao chổi, nhưng với dữ liệu quang phổ chính xác này từ JWST, chúng tôi mới có thể chắc chắn băng nước đang tạo ra hiệu ứng đó”, nhà thiên văn Michael Kelley tại Đại học Maryland, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature.

Việc phát hiện hơi nước xung quanh 238P/Read, sao chổi nằm trong vành đai tiểu hành tinh chính của hệ Mặt Trời, giúp củng cố các giả thuyết cho rằng nước, một thành phần thiết yếu của sự sống, được sao chổi mang từ không gian đến Trái Đất. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cũng mang đến một bí ẩn khác. Đó là 238P/Read không có CO2 như dự kiến của các nhà thiên văn.

Việc thiếu CO2 xung quanh sao chổi 238P/Read khiến các nhà khoa học ngạc nhiên, vì theo tính toán trước đây, hợp chất này chiếm tới 10% vật chất dễ bay hơi trong sao chổi. Họ cho rằng có hai lý do có thể khiến 238P/Read thiếu CO2. Thứ nhất, sao chổi từng chứa CO2 trong quá trình hình thành, nhưng mất đi do bị Mặt Trời nung nóng. Thứ hai, 238P/Read hình thành trong một khu vực thuộc hệ Mặt Trời không có hợp chất này.

Vành đai tiểu hành tinh chính của hệ Mặt Trời chủ yếu chứa các thiên thể đá như tiểu hành tinh. Tuy nhiên, nơi này đôi khi cũng có những thiên thể như sao chổi 238P/Read. Phần đầu và đuôi sao chổi hình thành từ vật liệu băng rắn, chuyển đổi trực tiếp thành khí do quá trình thăng hoa khi sao chổi tới gần Mặt Trời và nóng lên.

“Thế giới ngập nước của chúng ta (Trái Đất) – tràn đầy sự sống và là duy nhất trong vũ trụ theo hiểu biết của con người – vẫn còn nhiều bí ẩn. Chúng ta không chắc làm thế nào lượng nước này lại hiện diện ở đây. Tìm hiểu lịch sử phân bổ nước trong hệ Mặt Trời sẽ giúp chúng ta hiểu được các hệ hành tinh khác và đánh giá xem liệu chúng có thể chứa một hành tinh giống Trái Đất hay không”, Stefanie Milam, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu quan sát 238P/Read để tìm hiểu xem những sao chổi hiếm gặp tương tự có chung thành phần hay không. Để thực hiện điều này, họ có thể sẽ quan sát kỹ hơn bằng James Webb và kính viễn vọng khác, đồng thời trông cậy vào các tàu thu thập mẫu vật từ sao chổi ở vành đai chính.

Thu Thảo (Theo Space)



Leave a Comment

0.0/5