Sau khi đổ nhựa đường, 5 thành viên của nhóm dùng búa đập nhỏ và dàn đều, hai người khác được phân nhiệm vụ chốt chặn, phân luồng phương tiện bởi càng về khuya, lượng ôtô di chuyển lớn.
Thấy một xe tải đến gần, Phạm Văn Hiếu ra hiệu cho tài xế đánh lái đi qua vị trí vừa đổ nhựa đường. Dường như đã quen với việc này, chiếc xe cán qua rồi cài số lùi để cán thêm lần nữa. “Chắc rồi, cảm ơn anh. Chúng tôi đỡ phải dùng nhiều sức để đầm cho chặt”, bà Chiến (57 tuổi), một thành viên trong nhóm nói.
Sau gần hai tiếng trong đêm 17/5, đoạn sụt lún được san phẳng, các phương tiện di chuyển dễ dàng hơn. Đây là một trong hàng nghìn buổi vá đường nhóm anh Phạm Văn Hiếu (32 tuổi) ở huyện Thường Tín làm hơn mười năm qua.
Những lần vá đường như thế này khởi phát từ một đêm mất ngủ 13 năm trước. Chứng kiến nhiều phụ nữ, trẻ em hay người già ngã xe, tai nạn khi đi qua đoạn đường gồ ghề, nhiều hố sụt, Hiếu quyết định ra khỏi giường, một mình xách dụng cụ đi vá đường.
Thời gian đầu, vật liệu lấp ổ gà chỉ có gạch, đá vụn và xi măng nên các chỗ vá chỉ được vài ngày. Có người mách “lấp bằng nhựa đường mới bền”, chàng thanh niên lân la đến nơi đang làm đường hỏi mua. Biết Hiếu lấy để vá đường tình nguyện, nhiều đơn vị thi công tặng luôn nhưng thi thoảng anh vẫn phải trích một phần tiền lương đi mua, lúc không xin được.
Thấy đêm nào Hiếu cũng một mình đi vá đường nhiều người nói anh gàn dở, lo việc bao đồng. Gia đình cũng ngăn cấm bởi lo con trai gặp nguy hiểm. “Tính tôi quyết làm thì khó bỏ. May mắn là sau một thời gian mọi người cũng hiểu và dần ủng hộ”, anh nói.
Mãi đến năm 2016, việc làm của anh được nhiều người biết nên một số sinh viên, người đi làm cho đến các cô, bác ở huyện xin tham gia. Người trẻ nhận những việc chính còn các bác lớn tuổi phụ trách công tác hậu cần. Tùy vào khu vực, vị trí định san lấp sẽ có vài người đến vài chục người tham gia.
Anh Hoàng Tùng ở xã Hạ Hồi đã tham gia nhóm vá đường của Hiếu được gần hai năm. Công việc bận rộn nhưng người đàn ông 33 tuổi cùng vợ cố gắng tham gia vài buổi mỗi tuần.
“Tôi muốn dùng sức lực của bản thân để đóng góp cho xã hội. Ngoài giảm số người bị tai nạn vì các hố sụt, tôi mong những con đường trên địa bàn huyện ngày càng đẹp”, anh Tùng nói.
Là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm, anh Lê Văn Dũng, 26 tuổi, ở xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, bắt đầu đi vá đường từ năm 2022. Không chỉ vá đường trên địa bàn huyện, Dũng cùng anh Hiếu chủ động đi lấp các ổ gà, hố sụt trên nhiều tuyến đường trung tâm thành phố, thậm chí các tỉnh lân cận.
“Không ít lần hai anh em tôi chở trên xe 6 bao nhựa đường đi khắp nơi đến rạng sáng mới về”, anh Dũng nói.
Anh Đào Chính, người dân ở xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, nói đã quen với hình ảnh một nhóm người cứ đêm xuống đi lấp ổ, hố tại nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện, đặc biệt đoạn gần cây xăng làng Mui (xã Tô Hiệu). “Ở đây xảy ra nhiều vụ tai nạn do ổ gà, ổ trâu gây ra, họ đi làm phúc chứ chẳng kêu gọi hay đòi tiền. Nhờ có nhóm tình nguyện mà đường đi cũng an toàn hơn, chúng tôi cũng tránh được những vụ tai nạn thương tâm”, anh Chính chia sẻ.
Thấy nhóm làm đêm vất vả, tiềm ẩn nhiều rủi ro, không ít người khuyên dừng, việc sửa đường để chính quyền lo, nhưng anh Hiếu và các thành viên khẳng định vẫn làm vì sự an toàn của người dân.
“Còn hố tôi còn làm, còn hỏng là còn vá, vì tôi không muốn thấy bất kỳ vụ tai nạn đau thương nào do những ổ, hố sụt gây nên”, chàng trai 32 tuổi khẳng định.
Quỳnh Nguyễn