Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Anh ủng hộ Brazil làm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an

“Cán cân quyền lực toàn cầu đã dịch chuyển về phía nam”, Ngoại trưởng Anh James Cleverly phát biểu trong cuộc họp báo ở Brasilia ngày 24/5, nhân chuyến thăm đầu tiên của quan chức ngoại giao hàng đầu Anh tới Brazil sau 9 năm. “Đó là thực tế cần được phản ánh tại một số thể chế đa phương, trong đó có Liên Hợp Quốc”.

Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh và là quốc gia đông dân nhất khu vực, nhiều năm qua yêu cầu được tham gia Hội đồng Bảo an với tư cách thành viên thường trực. Tuy nhiên, Anh cùng 4 ủy viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pháp từng nhiều lần ngăn cản nỗ lực này.

“Brazil đóng vai trò quyết định trong việc định hình lại trật tự quốc tế và hệ thống đa phương. Anh ủng hộ tham vọng của Brazil là có một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, ông Cleverly cho hay.

Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira đáp lại rằng đất nước ông và Anh chung quan điểm về vấn đề này.

Phát biểu của ông Cleverly cho thấy sự thay đổi trong quan điểm của Anh, nhưng hiện chưa rõ đề xuất này có nhận được sự đồng thuận của 4 ủy viên thường trực khác, những nước đều có quyền phủ quyết, hay không.





Ngoại trưởng Anh James Cleverly tại cuộc họp báo ở thủ đô Brasilia của Brazil ngày 24/5. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Anh James Cleverly tại cuộc họp báo ở thủ đô Brasilia của Brazil ngày 24/5. Ảnh: AFP

Brazil, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Nam Mỹ của Ngoại trưởng Cleverly, sau Chile, Jamaica và Colombia, diễn ra sau khi London gần đây tuyên bố đóng góp lớn cho một quỹ của Brazil để bảo vệ rừng Amazon. Thủ tướng Anh Rishi Sunak tháng này cam kết tài trợ hơn 100 triệu USD cho quỹ, khi gặp Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva trước lễ đăng quang của Vua Charles III.

Hội đồng Bảo an, gồm 10 thành viên không thường trực và 5 thành viên thường trực, có nhiệm vụ ứng phó các cuộc khủng hoảng trên thế giới bằng biện pháp trừng phạt, cho phép hành động quân sự và thông qua sửa đổi Hiến chương Liên Hợp Quốc.

5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết, cho phép họ bác bỏ bất kỳ nghị quyết nào tại cơ quan này. 10 thành viên không thường trực còn lại được bầu theo nhiệm kỳ hai năm và không có quyền phủ quyết. Các nước luân phiên đảm nhiệm vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an hàng tháng theo thứ tự bảng chữ cái.

Hiến chương Liên Hợp Quốc không cho phép thay đổi tư cách thành viên thường trực. Bất cứ sự thay đổi nào của Hiến chương cần được ít nhất 2/3 số thành viên hội đồng thông qua, trong đó phải bao gồm toàn bộ 5 thành viên thường trực.

Huyền Lê (Theo AFP)



Leave a Comment

0.0/5