Quy mô của sự mất đa dạng sinh học thường được theo dõi thông qua Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), trong đó mỗi loài vật đều được xếp loại bảo tồn tùy theo hiện trạng. Theo hệ thống này, khoảng 28% sinh vật đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Để mang đến cái nhìn giàu sắc thái hơn, trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Biological Reviews, nhóm tác giả xem xét những thay đổi về mật độ quần thể của hơn 71.000 loài bao gồm 5 nhóm động vật có xương sống chính (động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá) và côn trùng. Kết quả, 48% các loài đang suy giảm số lượng, 49% được đánh giá là ổn định và chỉ 3% tăng kích thước quần thể, IFL Science hôm 24/5 đưa tin.
“Phương pháp nghiên cứu mới và việc phân tích quy mô toàn cầu mang đến bức tranh rõ ràng hơn về mức độ thực của sự suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu mà phương pháp truyền thống không cung cấp được”, tiến sĩ Daniel Pincheira-Donoso tại Đại học Queen’s Belfast (Anh), tác giả nghiên cứu, cho biết.
“Trong số những loài động vật trên Trái Đất được đánh giá, gần một nửa đang suy giảm. Tệ hơn, nhiều loài vốn được cho là không bị đe dọa tuyệt chủng, thực tế cũng ngày càng giảm sút”, đồng tác giả Catherine Finn, chuyên gia tại Đại học Queen’s Belfast (Anh), nói thêm.
Tổng cộng, 33% các loài mà Sách Đỏ xếp loại “không bị đe dọa” vẫn đang giảm số lượng. “Nếu xu hướng này không yếu đi, thêm 2.136 loài nữa có thể bị đe dọa trong tương lai gần”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, số lượng động vật ở các vùng nhiệt đới giảm với mức độ nghiêm trọng hơn, còn ở khu vực ôn đới thì ổn định hơn, một số thậm chí đang tăng. Giữa các nhóm động vật cũng có sự chênh lệch. Ví dụ, 63% loài lưỡng cư đang suy giảm, trong khi con số này ở các loài bò sát chỉ là 28%.
Các nhà khoa học nhận xét, nghiên cứu mới cung cấp thêm dấu hiệu cho thấy sự đa dạng sinh học toàn cầu đang bước vào giai đoạn “tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6”, trong đó, sự phong phú và chức năng của hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học và sức khỏe của con người đang ngày càng bị đe dọa.
Thu Thảo (Theo IFL Science)