Tỷ lệ thanh niên ở độ tuổi 24 sống cùng bố mẹ là 51,2%, người từ 30 đến 34 tuổi là 11,6%, trong đó nam giới gấp 1,5 lần nữ. Ở London, khoảng 1/4 số hộ gia đình có ít nhất một đứa con đã trưởng thành vẫn ở nhà. Độ tuổi trung bình của con cái trưởng thành sống cùng cha mẹ là 26.
Đây là những con số gây ngạc nhiên bởi theo văn hóa phương Tây, con cái khi đủ 18 tuổi sẽ tách ra ở riêng, độc lập cả về cuộc sống lẫn kinh tế. Tuy nhiên, các số liệu cũng cho thấy các gia đình đa thế hệ sẽ còn tiếp tục tồn tại bởi sự xuất hiện của thế hệ “boomerang”, những người rời nhà một thời gian trước khi quay trở lại.
Theo ONS, mặc dù cuộc điều tra dân số được thực hiện trong đại dịch năm 2021, nhưng sự gia tăng này là xu hướng kéo dài chứ không phải là hậu quả của đại dịch.
Katharine Hill, giám đốc tổ chức Care for the Family tại Anh cho biết nhận thức người dân đang thay đổi. Từng là điều cấm kỵ của xã hội, giờ đây việc con cái trưởng thành chọn tiếp tục sống ở nhà được coi là điều tất yếu về mặt kinh tế.
Xu hướng này làm nổi bật sự tàn khốc của cuộc khủng hoảng nhà ở tại Anh, cùng với tình trạng nhiều người trẻ phải gánh những khoản nợ sinh viên khổng lồ. Các chuyên gia cho biết đại dịch cũng đóng một vai trò, khi nhiều người tìm cách quay trở lại nhà do cuộc sống khó khăn, trong khi những người khác chưa sẵn sàng rời đi sau khi mất niềm tin vào xã hội. Hậu quả là sự suy thoái nghiêm trọng đối với sức khỏe tâm thần của những người trẻ tuổi, cùng với những tác động tiềm ẩn đối với nền kinh tế Anh.
Trước sự mất tự tin của một số thanh niên do bị cô lập với xã hội trong thời gian phong tỏa, nhà tâm lý học Linda Blair kêu gọi các bậc cha mẹ đưa ra thời gian biểu để con họ có thể thay đổi, như yêu cầu trả tiền nhà và đặt mốc thời gian để kiếm việc, ngay cả khi điều đó có thể gây ra một chút khó chịu.
Blair cho biết việc chuyển ra ngoài là điều quan trọng đối với những người trẻ tuổi vì nhiều lý do khác nhau. Họ cần chứng minh được rằng bản thân có thể sống tự lập trước khi cha mẹ qua đời, và anh chị lớn ở nhà cũng có thể kìm hãm sự phát triển của những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn. Cha mẹ cũng phải tìm thấy ý nghĩa mới trong cuộc sống khi sau khi con cái trưởng thành.
Tuy nhiên việc những người trưởng thành sống cùng cha mẹ cũng có những mặt tích cực, như giảm bớt áp lực tài chính cho cha mẹ. Đối với cha mẹ lớn tuổi, họ có thể cung cấp nguồn hỗ trợ về mặt tinh thần. Cha mẹ cũng cần học cách thích nghi trong mối quan hệ nếu sống cùng nhau, vì đôi khi họ vẫn có thể đối xử với con cái trưởng thành như thể chúng mới 15 tuổi.
Đức Anh (Theo Guardian)