Sáng 2/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Tại kỳ họp thứ 6 khai mạc vào tháng 10, Quốc hội cho ý kiến 6 dự án luật gồm Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Quốc hội cũng quyết định bổ sung chương trình kỳ họp 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét thấu đáo, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành, những điểm mới của ba dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, sự cần thiết ban hành của từng dự án.
Việc xây dựng, ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai luật cũng được cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá là phù hợp với xu hướng xây dựng các đạo luật cụ thể, có phạm vi điều chỉnh hẹp, tập trung vào một lĩnh vực, quy định chi tiết để áp dụng ngay được, hạn chế việc phải đợi ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Dự án Luật Đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát phạm vi điều chỉnh và các quy định của dự thảo Luật bảo đảm phân định rành mạch với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Dự án luật cũng bổ sung, cập nhật đánh giá tác động đối với các nội dung về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về đường bộ, về quản lý đối với phương tiện giao thông công nghệ, phân định các loại hình kinh doanh vận tải. Dự luật bổ sung, làm rõ các tồn tại, bất cập và giải pháp khắc phục về đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Đồng thời, Bộ Công an xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 khóa 14, 63,79% đại biểu không đồng ý tách thành hai Luật. Văn phòng Chính phủ sau đó đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, có phương án tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về các nội dung trên.