Trong báo cáo khảo sát về tình hình việc làm và chính sách hỗ trợ vừa gửi Thủ tướng, Ban IV nhận định xu hướng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần chưa dừng lại bởi làn sóng sa thải sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm nay. Để hạn chế tình trạng này, ngoài sửa Luật Bảo hiểm xã hội còn cần giải pháp trước mắt là cho phép doanh nghiệp, lao động không phải thu nộp kinh phí công đoàn cho công đoàn cấp trên.
Chính phủ đồng thời giãn, hoãn các khoản khác liên quan BHXH hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới phù hợp thực tiễn để người lao động dồn nguồn lực trang trải các nhu cầu cuộc sống, giảm áp lực lẫn kỳ vọng vào khoản tiền rút BHXH một lần.
Bên cạnh BHXH, kinh phí công đoàn và đoàn phí là các khoản doanh nghiệp lẫn lao động là đoàn viên công đoàn phải đóng hàng tháng. Doanh nghiệp trích 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và người lao động 1%.
Phần kinh phí này là nguồn thu chủ yếu cho các cấp công đoàn hoạt động thông qua chi trả lương, phụ cấp, quản lý hành chính và chi chăm lo cho người lao động. Ngoài ra, kinh phí công đoàn còn chi gián tiếp thông qua đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho người lao động; tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; khen thưởng, động viên con em người lao động; hỗ trợ đoàn viên công đoàn khi ốm đau.
Ủng hộ kiến nghị trên, chủ tịch công đoàn một công ty hơn 5.000 lao động ở Bắc Giang cho hay theo quy định cơ sở được giữ lại 75% kinh phí công đoàn và 60% đoàn phí, phần còn lại nộp lên công đoàn cấp trên. Vị này tính toán, tổng thu các khoản phí công đoàn mỗi tháng khoảng 600 triệu đồng, chuyển lên cấp trên hơn 150 triệu đồng. Phần cơ sở giữ lại được dùng cho các hoạt động thường xuyên hoặc chi trực tiếp cho lao động như thăm hỏi ốm đau, sinh nhật, quà Tết…
Năm 2021 lúc cao điểm dịch, với nguồn tài chính còn hơn 3 tỷ đồng tích lũy từ những năm trước, công đoàn công ty chuyển khoản trực tiếp cho mỗi công nhân 500.000 đồng. Số dư cuối năm chỉ còn 86 triệu đồng. Năm 2022, công đoàn cơ sở hầu như không còn tích lũy để chi cho công nhân. Thời điểm này, doanh nghiệp thiếu đơn hàng song không cắt giảm nhân sự. Nhà máy duy trì làm việc 8 tiếng mỗi ngày nhưng không có tăng ca. Thu nhập bình quân của người lao động đã giảm từ 7,5 triệu đồng năm 2022 xuống còn 6 triệu vào nửa đầu năm nay.
Chủ tịch công đoàn doanh nghiệp tính toán, nếu được giữ lại toàn bộ phí công đoàn ở tuyến cơ sở đến hết năm 2024 thì mỗi năm sẽ có thêm gần 2 tỷ đồng. Khoản tiền này so với quy mô doanh nghiệp 5.000 lao động “mang ý nghĩa lớn”. Nguồn tài chính có thể không phân bổ lại cho toàn bộ lao động mà chọn người khó khăn để chi trước, bằng tiền mặt. Mức hỗ trợ được nâng lên khoảng 1-2 triệu đồng mỗi người, phân bổ thành nhiều đợt.
“Số lượng đoàn viên công đoàn mỗi năm đều tăng nên nguồn kinh phí cũng sẽ tăng do điều chỉnh lương cơ sở lẫn lương tối thiểu. Tỷ lệ kinh phí chuyển lên cấp trên trong thời gian qua được điều chỉnh giảm dần song 25% vẫn là mức cao nên cần có lộ trình giảm tiếp, giữ lại phần nhiều ở cơ sở cho hoạt động thiết thực”, ông nói.
Việc miễn hoàn toàn hoặc giảm đóng kinh phí công đoàn không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp đề cập đến. Với các ngành hàng thâm dụng lao động, chi phí cho người lao động (phí nhân công, tiền đóng BHXH, kinh phí công đoàn) là các khoản lớn. Trong ba năm đại dịch, một số hiệp hội, ngành hàng nhiều lần kiến nghị giảm tỷ lệ đóng từ 2% xuống 1% hoặc miễn đóng kinh phí công đoàn trong một thời gian để giảm áp lực lẫn chi phí sản xuất. Song vì quy định nằm trong luật nên nếu muốn miễn, giảm khoản này phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được Quốc hội thông qua.
Khảo sát tình hình người lao động do Ban IV cùng VnExpress thực hiện trong tháng 4 với 8.340 người tham gia. Kết quả có 31% người lao động trả lời đang không có việc làm, tập trung nhiều nhất ở các nhóm ngành bất động sản, xây dựng, du lịch – khách sạn nhà hàng. Nếu xét theo địa phương, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng.
Hồng Chiêu