Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nạn trộm các gói hàng gửi ở sảnh chung cư

Tối 27/5, bảo vệ tòa nhà The Kpark Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, bắt quả tang cô gái 21 tuổi trà trộn vào sảnh chung cư trộm đồ ship của cư dân. Sự việc sau đó được chuyển lên Công an phường Phú La. Cô gái khai hoạt động theo một nhóm, thường “ghé” vào nhiều toà chung cư ở Hà Nôi.

Sống ở chung cư, nhiều cư dân không phải lúc nào cũng nhận được đồ khi shipper giao đến nên thường bảo gửi ở sảnh lễ tân. Cư dân sau đó tự lấy đồ. Do việc gửi đồ là tự nguyện giữa người mua và người giao hàng, không có người trông, kẻ gian đã lợi dụng để trộm đồ có giá trị.





Khu vực để đồ ship ở chung cư The Kpark Văn Phú. Ảnh: Phạm Dự

Khu vực để đồ ship ở chung cư The Kpark Văn Phú giờ có sổ ghi theo dõi. Ảnh: Phạm Dự

Một bảo vệ tòa nhà The Kpark Văn Phú cho hay đã theo dõi cô gái trên từ lâu nhưng tối hôm đó mới bắt được quả tang. Nghi phạm thường chọn thời điểm “gây án” vào đầu giờ tối và mặc đồ công sở, tác phong như cư dân để không bị ai chú ý. Sau khi trộm đồ, cô này mang vào nhà vệ sinh bóc xem, nếu hàng giá trị sẽ lấy, còn không sẽ mang bỏ lại chỗ cũ.

Sau khi xảy ra liên tiếp các vụ mất cắp, ban quản lý tòa nhà đã đặt sổ ghi chép để yêu cầu người lấy hàng ở sảnh phải ghi họ tên, số căn hộ, loại đồ và ký tên. Hơn nữa, để dễ dàng kiểm tra khi bị mất cắp hoặc có sự nhầm lẫn, ban quản lý còn đề nghị người lấy đồ phải bỏ khẩu trang.

Việc mất cắp đồ ship ở các chung cư không phải ít, hồi giữa tháng 5, người dân ở một tòa chung cư ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, cũng bắt quả tang một cô gái trộm đồ. Tuy nhiên giá trị tài sản thấp nên người dân chỉ yêu cầu xin lỗi và “cho cô gái ra về”.

Việc để đồ ship ở sảnh chung cư rất phổ biến và đều theo kiểu “hai bên tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm”. Để đáp ứng nhu cầu của cư dân, nhiều ban quản lý chung cư bố trí bàn ở sảnh để đặt đồ. Cư dân sẽ tự trao đổi với shipper để đặt hàng ở đó.

Với các đơn hàng giá trị thấp, nếu bị mất, đa số cư dân lựa chọn “bỏ qua cho xong chuyện”. Nhưng có người quyết tâm tìm ra kẻ gian như chị Trà, cư dân tại một tòa chung cư ở huyện Gia Lâm. Đầu tháng 5, chị có đơn hàng là chiếc bàn là trị giá gần một triệu đồng.

Do giao vào giờ hành chính, chị không lấy được và cũng không nhờ được ai nên bảo shipper đặt ở bàn để đồ, rồi chuyển khoản thanh toán. Tối về, Trà lấy thì hàng đã mất, gọi cho shipper hỏi thì được khẳng định đã đặt hàng đúng chỗ và còn chụp ảnh làm bằng chứng.

Tự nhận là lỗi của mình trước vì không xuống lấy hàng ngay nhưng Trà cho rằng không phải vì thế mà người khác được phép lấy đồ, đó là trộm cắp. Chị sau đó làm đơn đề nghị ban quản lý cho trích xuất camera an ninh.

“Nhưng cuối cùng, người lấy đồ là một kẻ lạ mặt, không phải cư dân trong tòa nhà, tới giờ vẫn chưa tìm ra đó là ai”, Trà nói.





Bàn để đồ ship tại một tòa chung cư ở quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Dự

Bàn để đồ ship tại một tòa chung cư ở quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Dự

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Ngọc Thạch, cho biết hiện nay ban quản lý các chung cư thường ký hợp đồng thỏa thuận với các hộ dân về thu phí đảm bảo an ninh trật tự. Thế thực tế, hầu như không có đơn vị vận hành nào đồng ý chịu trách nhiệm về việc mất tài sản xảy ra trong căn hộ của cư dân, kể cả đồ đạc như đồ ship, cư dân để ở trong khu vực chung cư.

“Việc này cũng dễ hiểu bởi không ban quản lý nào có thể kiểm soát được tài sản thuộc sở hữu riêng của cư dân”, luật sư nói.


Phạm Dự

Leave a Comment

0.0/5