Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Âm thanh của thực thể sống lớn nhất thế giới





Cây dương lá rung trải rộng 43 hecta ở bang Utah. Ảnh: CNN

Cây dương lá rung trải rộng 43 hecta ở bang Utah. Ảnh: CNN

Các nhà nghiên cứu ghi lại âm thanh của thực thể sống lớn nhất thế giới tên Pando, cây dương lá rung khổng lồ nặng 6 triệu kg và trải rộng 43 hecta ở phía nam bang Utah, Mỹ. Nhóm nghiên cứu cho rằng việc nghe băng ghi âm có thể giúp họ hiểu rõ hơn tình trạng của cây đại thụ và bất kỳ thay đổi môi trường nào ảnh hưởng tới nó, Live Science hôm 31/5 đưa tin.

Nhìn thoáng qua, Pando trông giống khu rừng bao gồm nhiều cây dương lá rung (Populus tremuloides). Tuy nhiên, đây là một thực thể bao gồm khoảng 40.000 gốc giống hệt nhau về mặt di truyền, nối liền với nhau thông qua hệ thống rễ phức tạp. Mùa hè năm ngoái, Jeff Rice, kỹ sư âm thanh ở Seattle tới thăm Pando. Sử dụng đầu thu sóng (loại microphone thường dùng để thu âm thanh dưới nước), ông bắt đầu ghi âm tiếng xào xạc của lá cây Pando trong gió, tiếng chim ríu rít trong vòm lá và tiếng côn trùng bò xung quanh. Nhưng sau đó, Rice muốn lắng nghe những gì diễn ra bên dưới lòng đất.

Rice hợp tác với Lance Oditt, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Friends of Pando, tổ chức phi lợi nhuận chuyên giáo dục và nghiên cứu về Pando. Họ bắt đầu ghi âm bên dưới nền rừng bằng cách thả đầu thu sóng vào hố rộng ở một trong những gốc cây. Kết quả là tiếng rung trầm thấp tương tự tiếng rên rỉ trong cổ họng.

Để kiểm tra giả thuyết âm thanh mà họ nghe thấy được truyền qua rễ cây Pando, các nhà nghiên cứu gõ vào một cành cây cách hố 30 m. Đầu thu sóng ghi lại âm thanh đó dưới dạng tiếng đập mạnh. “Chúng tôi có thể nghe rõ tiếng đập. Điều này góp phần chứng minh Pando nối liền với nhau ko chỉ ở mặt đất. Hệ thống rễ giống như một tấm lưới mắt cáo dưới lòng đất”, Oditt nói.

Trong vài mùa hè qua, Oditt và nhóm tình nguyện viên tỉ mỉ chụp ảnh gần như từng tấc của cây dương lá rung bằng camera 360 độ. Dự án đóng vai trò như cơ sở để theo dõi những thay đổi của cây theo thời gian. Băng ghi âm dưới lòng đất cung cấp cơ hội mới nhằm hiểu rõ hơn những gì diễn ra với cây đại thụ được ví như “gã khổng lồ run rẩy” theo cách hoàn toàn không xâm lấn, bao gồm lập bản đồ hệ thống rễ, theo dõi lượng nước và quản lý động vật hoang dã như ngăn hươu ăn lá cây.

“Chúng tôi có thể lắng nghe bất kỳ thay đổi nào về lượng nước và đất xảy ra bên dưới, cũng như sử dụng âm thanh để giám sát hệ thống rễ. Chúng tôi có thể phát hiện dịch bệnh và phát sóng âm để giải quyết vấn đề hươu ăn lá”, Oditt chia sẻ.

An Khang (Theo Live Science)



Leave a Comment

0.0/5