Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

11 nhà máy thủy điện dừng phát

Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) hôm nay cho biết, 9 hồ thủy điện đã dưới mực nước chết. Để đảm bảo vận hành, các tổ máy tại 11 nhà máy như Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong phải dừng phát.

Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết, đảm bảo dòng chảy tối thiểu.





Nước ở hồ thủy điện Thác Bà giảm sâu, thấp hơn mực nước chết 0,5m, ngày 8/6. Ảnh: Anh Minh

Nước ở hồ thủy điện Thác Bà giảm sâu, thấp hơn mực nước chết 0,5 m, ngày 8/6. Ảnh: Anh Minh

Tại Yên Bái, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, cho biết, sáng 8/6, mực nước trong hồ thủy điện này là 45,65 m, thấp hơn 0,5 m so với mực nước chết – mức không thể phát điện.

Lần đầu trong 52 năm, nhà máy này phải dừng vận hành 2 tổ máy từ 1/6. Tổ máy số 3 vẫn vận hành nhưng ở mức phát tối thiểu (15 MW) để cấp nước cho hạ du theo quy trình điều tiết liên hồ chứa và cung ứng điện. Nếu mực nước xuống dưới 45 m, có thể phải dừng thêm tổ máy số 3 vì rủi ro lớn cho vận hành.

Bậc thang thủy điện sông Đà 'khát nước'

 
 

4/5 nhà máy thuỷ điện trên sông Đà tạm dừng hoặc phát điện cầm chừng. Video: Văn Phú – Lộc Nam

Ông Cường nói “tình hình rất khô hạn”, lượng nước về hồ trong tháng 5 giảm tới 40% so với trung bình nhiều năm, chỉ bằng 22% so với 2022. Lưu lượng nước cũng rất thấp, 7-10 m3/s, trong khi thời điểm này các năm trước gấp 10 lần.





Cửa xả đập Thủy điện Thác Bà cạn khô nước, ngày 8/6. Ảnh: Anh Minh

Cửa xả đập Thủy điện Thác Bà cạn khô nước, ngày 8/6. Ảnh: Anh Minh

“Tổ máy số 3 vận hành ở mức tối thiểu nhưng khi chạy dưới mực nước chết, rung lắc, nguy cơ nứt cánh turbin có thể xảy ra. Các cán bộ kỹ thuật phải trực 24/24. Hai tổ máy còn lại cũng được bảo dưỡng để khi đủ nước là phát điện”, ông Cường nói thêm.

Hồ cạn nước, lượng phát thấp nên hiện sản lượng của nhà máy này trong tháng 5 chỉ bằng một phần mười năm ngoái, khoảng 2 triệu kWh.

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết công suất khả dụng của tất cả nguồn ở miền Bắc (gồm điện nhập khẩu) là 17.500-17.900 MW, tức khoảng 59,2% công suất lắp đặt.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khoảng 20.000 MW và có thể lên tới 23.500-24.000 MW vào thời điểm nắng nóng. Ước tính, mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh. “Miền Bắc nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết giờ trong ngày”, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nói.

Trước khó khăn cung ứng điện, EVN đã phải cắt điện ở miền Bắc. Chẳng hạn, ngày 5/6, công suất tiêu thụ bị giảm 3.609 MW lúc 16h30, trong đó khu vực công nghiệp lớn giảm khoảng 1.423 MW, khu sinh hoạt là 1.264 MW.

Về cung ứng điện, theo thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà được Văn phòng Chính phủ đưa ra hôm nay, Bộ Công Thương được yêu cầu hướng dẫn EVN xây dựng kịch bản trong lúc thiếu điện cục bộ.

Bộ rà soát, kiểm tra với các nhà máy nhiệt điện than đang bị sự cố, yêu cầu các chủ đầu tư khắc phục, đưa vào vận hành sớm nhất. Với các nhà máy nhiệt điện có thời gian sự cố kéo dài (trên 2 năm) và không thể vận hành trong tháng 6, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị thanh tra để xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm.

Hôm nay, EVN cũng yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tính toán, phân bổ công suất cho các công ty điện lực cấp tỉnh trên nguyên tắc điều hoà, tiết giảm điện.

Nhóm được ưu tiên cấp điện trong giai đoạn hiện nay, gồm “khách hàng quan trọng” được các tỉnh phê duyệt; hoạt động chính trị xã hội. Tuy nhiên, nhóm khách hàng thâm dụng năng lượng như sản xuất sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng hoặc đơn vị có nguồn điện dự phòng tại chỗ… sẽ bị giảm cấp điện.

Với khách hàng sinh hoạt, hộ gia đình, EVN yêu cầu cắt điện không quá 8 giờ với nhóm sinh hoạt, hạn chế tiết giảm vào các khung giờ sinh hoạt và cuối tuần tại các khu du lịch.


Anh Minh

Leave a Comment

0.0/5