Ghi nhận của VnExpress tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), Xóm Mới (Gò Vấp) Tân Định (quận 1) cho thấy vải thiều được chất thành những đống lớn, chiếm 2/3 diện tích sạp.
Chị Hạnh, tiểu thương bán trái cây tại chợ Bà Chiểu, cho biết năm nay vải thiều về chợ với số lượng lớn, giá thấp hơn 10.000-20.000 đồng so cùng kỳ năm ngoái nên hút khách. “Mỗi ngày tôi có thể bán từ 50-100 kg vải với giá 30.000-35.000 đồng một kg”, chị Hạnh nói.
Tương tự, chị Loan – chủ cửa hàng trái cây trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) – cho biết năm ngoái chị nhập vải đi đường hàng không có giá 70.000-90.000 đồng một kg, nay còn 45.000 đồng. Loại này không bị sâu đầu hay ngấm nước như các loại vải đi xe thông thường. Do đó, chỉ khoảng 10h sáng là sạp của chị Loan bán hết hai thùng vải (50 kg).
Nói với VnExpress, ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc bộ phận kinh doanh Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho hay năm nay, vải từ các vùng miền về TP HCM sớm hơn mọi năm. Từ cuối tháng 4 đến nay, chợ này đã tiêu thụ gần 5.400 tấn vải. Trong đó, 3.000 tấn nhập từ Đắk Lắk, 2.400 tấn từ miền Bắc. Hiện giá sỉ cho hàng đi container là 25.000-28.000 đồng, vải đi máy bay 33.000-35.000 đồng.
“Vải đang vào vụ, số lượng về chợ ồ ạt nên giá rất cạnh tranh và rẻ hơn so với mọi năm”, ông Phương nói.
Ngoài chợ truyền thống, tại các hệ thống siêu thị hiện đại, vải cũng được nhập về số lượng lớn, tăng 10-30% so với năm ngoái. Hầu hết hệ thống siêu thị đều giảm giá để kích cầu, có nơi giảm gần một nửa và trưng bày bắt mắt ở những vị trí đẹp.
Tại chuỗi siêu thị của Central Retail, vải thiều có giá 59.000 đồng giảm còn 22.900 đồng một kg. Co.opmart bán hàng loại 1 cũng đang khuyến mãi ở mức 34.800 đồng, chuỗi Win miền Nam giá bán 39.900 đồng một kg.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân – Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail – cho biết sẽ bán 300 tấn vải thiều trên toàn hệ thống, tăng 30% so với năm ngoái, trong đó miền Nam tiêu thụ 250 tấn. Ngoài ra, tập đoàn này còn xuất khẩu vải sang Thái Lan.
Tương tự, đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp (WCM) cho biết dự kiến tiêu thụ khoảng 200 tấn vải thiều Lục Ngạn tại hơn 3.500 siêu thị và cửa hàng WinMart/ WinMart+ trên toàn quốc.
Ngoài ra, các hệ thống siêu thị cho biết sẽ triển khai bán trên các nền tảng thương mại điện tử nhằm lan tỏa thương hiệu và giá trị của loại trái cây này đến người tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm nay ước đạt khoảng 180.000 tấn. Sở đã trao đổi, làm việc với các tập đoàn, hệ thống phân phối, siêu thị, chợ đầu mối ở các tỉnh thành để kết nối tiêu thụ vải thiều. Đến nay, tỉnh này đã ký kết 35 biên bản ghi nhớ cam kết tiêu thụ hơn 100.000 tấn vải thiều và tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại các thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc.
Đến nay, có hơn 200 thương nhân Trung Quốc đăng ký, trên 30 thương nhân đã sang để giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều.
UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết năm nay, vải thiều Lục Ngạn tiếp tục có chất lượng vượt trội, mã đẹp. Với hơn 17.300 ha, sản lượng vải toàn huyện ước đạt 98.000 tấn.
Vụ vải năm nay, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có thêm nhiều cách làm mới nhằm nâng cao giá trị quả vải, như xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm hái vải thiều hay bán vải nguyên cả cây theo mô hình “Cây vải vườn nhà”.
Lục Ngạn đã số hóa các mã số vùng sản xuất vải, gắn với sổ nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó có 35 mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; thị trường Mỹ, Australia, EU có 19 mã; Nhật Bản 32 mã; Thái Lan 2 mã; Huyện cũng quản lý 173 mã cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu.
Thi Hà