Bản án được TAND Hà Nội tuyên sáng 16/6, sau 11 ngày xét xử và nghị án. Ông Dũng và 6 đồng phạm, phần lớn là cựu lãnh đạo Cienco 1, cùng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo điều 219 Bộ luật Hình sự.
Bốn cựu cán bộ còn lại của Cienco 1 gồm: ông Cấn Hồng Lai, cựu tổng giám đốc, bị phạt 7 năm tù; Lê Văn Long, cựu Kế toán trưởng, 4 năm; Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó phòng tài chính kế toán, 3 năm; Nguyễn Mạnh Tiến, cựu Trưởng phòng kế hoạch thị trường, 3 năm.
Liên quan vụ án, bị cáo Nguyễn Ngọc Tuyến, cựu kiểm toán viên Công ty kiểm toán A&C, nhận hình phạt 2 năm và Nguyễn Anh Tuấn, 30 tháng tù.
Với khoản nợ gần 185 tỷ đồng xử lý không đúng quy định, HĐXX cho hay Bộ Giao thông Vận tải, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Cienco1 đã họp bàn, thống nhất “Cienco sẽ bàn giao để DATC tiếp nhận”. Đây là thỏa thuận hợp pháp nên HĐXX chấp thuận.
Do Cienco 1 đã thu 65 tỷ đồng, Bộ Công an đề nghị nộp lại song chưa được nên tòa tuyên buộc Cienco 1 thực hiện việc này, và được khấu trừ vào khoản 184 tỷ trên.
Cienco 1 có nghĩa vụ khắc phục hơn 54 tỷ đồng – thiệt hại từ việc xác định không đúng giá trị 4 khu đất thuộc sở hữu của Cienco1. Các lệnh kê biên 4 bất động sản này sẽ được dỡ bỏ khi Cienco 1 khắc phục xong khoản tiền này.
Do không có trách nhiệm phải bồi thường, HĐXX hủy bỏ lệnh kê biên tài sản với các bị cáo trong vụ án.
HĐXX đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền gần 240 tỷ đồng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy vậy, HĐXX cũng ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, để đưa ra hình phạt đều thấp hơn mức thấp nhất của khung hình phạt.
Cienco1 thành lập năm 1995, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Năm 2012, xem xét tài chính trước khi cổ phần hoá, Cienco1 phải xử lý khoản nợ hơn 364 tỷ đồng của 50 công ty. Ông cùng các bị cáo đã thống nhất xoá nợ hơn 184 tỷ đồng, xác định “đây là khoản nợ khó thu hồi”.
Khi cổ phần hoá xong, Cienco 1 đòi được 65 tỷ đồng trong số “nợ xấu” trên nhưng không bàn giao cho Nhà nước theo quy định mà chỉ đạo chi cho các hoạt động khác.
Bản án nêu 184 tỷ đồng phải được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa nhưng ông Lai và các đồng phạm không thực hiện. Các bị can thừa nhận làm sai với mục đích “làm đẹp sổ sách kế toán, thuận tiện việc chào bán cổ phần phục vụ cổ phần hóa”.
Liên quan sai phạm, theo tòa có trách nhiệm của Công ty Kiểm toán A&C. Ông Tuyến, kiểm toán viên, kiêm trưởng nhóm thẩm định tài chính A&C, bị cáo buộc biết các khoản nợ công phải thu do Cienco1 cung cấp ban đầu là phù hợp. Tuy nhiên, bị can lại chấp nhận số liệu đã chỉnh sửa của Cienco 1 để loại bỏ 184 tỷ đồng ra khỏi giá trị doanh nghiệp.
Cienco 1 khi cổ phần hóa, không xác định giá trị quyền sử dụng 4 khu đất vào giá trị doanh nghiệp. Bốn khu đất đều ở vị trí đẹp, rộng 400-16.000 m2 tại TP HCM, Long An, Tiền Giang và Gia Lai. Theo quy định, khi doanh nghiệp cổ phần hóa, UBND cấp tỉnh sẽ có ý kiến để làm căn cứ xác định giá trị đất. Nhóm lãnh đạo Cienco 1 và các bị can thuộc Công ty A&C bị cáo buộc đã xác định 4 khu đất trên là “tài sản cố định vô hình” với tổng giá trị hơn 12 tỷ đồng.
Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự tại 4 tỉnh, thành nói trên xác định tổng giá trị 4 khu đất khoảng 67 tỷ đồng. Do vậy, hành vi của các bị can đã gây thiệt hại cho Nhà nước trên 54,7 tỷ đồng.
Việc xử lý xóa nợ trái quy định, để ngoài giá trị doanh nghiệp là hơn 184 tỷ đồng; không xác định giá trị quyền sử dụng 4 khu đất, gây thiệt hại hơn 54,7 tỷ đồng. Tổng thiệt hại vụ án được xác định từ các khoản trên là gần 240 tỷ đồng, tòa nêu.
Thanh Lam