Khoang chứa nước ở dưới có nhiệm vụ dự trữ nước để cung cấp cho cây khi khô hạn. Khoang chứa đất ở trên để trồng cây.
Thùng này hoạt động theo nguyên lý bấc đèn dầu, khi khoang trên khô nước thì nước sẽ từ khoang dự trữ được hút lên cung cấp cho cây. Vì thế vào mùa hè dù không được tưới cả ngày nhưng cây trồng trên các vườn sân thượng vẫn không bị khô héo. Mùa đông 3-4 ngày gia chủ mới phải tưới lại, tùy từng loại cây.
Ngoài chủ động cung cấp nước cho cây, thùng Earthbox còn giúp thu lại lượng nước tưới bị dư hàng ngày, theo hệ thống ống khép kín chảy về chỗ tập trung và được tái sử dụng tưới lại cho cây, giúp vườn rau luôn sạch sẽ.
Gia đình anh Nguyễn Chí Toàn (51 tuổi) ở TP Vĩnh Yên đã áp dụng kiểu chậu hai đáy Earthbox này để làm khu vườn trên sân thượng của mình.
Ở lần tu sửa vườn sân thượng sáu tháng trước, anh đã tự thiết kế thùng rau hai đáy Earthbox, đồng thời lắp đặt giàn leo bằng inox 304 chống gỉ sét. “Tôi chế tạo thùng có đáy dưới cùng chứa 7-10 cm nước để cung cấp bổ sung cho cây. Kết hợp với việc tưới trên bề mặt luôn đảm bảo cây phát triển tươi tốt”, anh nói.
Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm nước, giữ ẩm cho cây, ngăn ngừa việc ngấm nước gây dột sàn. Ngoài ra, những gia đình hay đi công tác cũng không quá lo lắng về việc tưới rau trong vài ngày.
Theo anh Toàn, một số người chế tạo thùng rau hai đáy Earthbox từ xốp hoặc nhựa nhưng tuổi thọ không cao. Anh đã thay thế bằng inox để có thể sử dụng hàng chục năm, không bị han gỉ hoen ố hay biến dạng dưới trời nắng nóng.
Trung bình giá một kg inox hoàn thiện là 130.000 đồng. Hiện vườn sân thượng của anh Toàn có khoảng 30 chậu. Cộng với giàn cho cây dây leo phủ kín diện tích gần 70 m2, tổng chi phí khoảng 300 triệu đồng.
Hệ thống thoát nước sàn cũng được gia chủ thiết kế tạo độ dốc. Rãnh thu dồn nước về ống thoát sàn chung với đường kính rộng nên không xảy ra tắc nghẽn mỗi khi mưa lớn. Sàn sân thượng cũng được lát gạch men trên nền bê tông đã xử lý chống thấm nên luôn khô thoáng, sạch sẽ.
Một hệ thống tưới tiêu tự động kết nối với điện thoại thông minh cũng được lắp đặt cho khu vườn. Vì tự tay thiết kế nên dù đi công tác, du lịch dài ngày, anh Toàn cũng không lo lắng vì rau củ luôn được cung cấp đầy đủ nước theo lịch trình cài đặt sẵn.
“Khi rau củ leo kín giàn, xung quanh đều được bao phủ bởi màu xanh của hoa, màu đỏ của trái. Lên vườn, tôi quên mất mình đang sống giữa thành phố chật chội và đông đúc”, anh Toàn nói.
Mới đây, người đàn ông này cũng đầu tư 400 triệu đồng lắp thang máy từ tầng một lên tầng mái, nhằm hạn chế mất sức khi vận chuyển trang thiết bị cũng như các bao đất lên vườn.
“May mắn trong nhà có phần giếng trời để sẵn vừa vặn kích cỡ thang máy nhỏ nhất. Có thang máy, việc vận chuyển khi làm vườn cũng dễ dàng hơn nhiều”, anh chia sẻ.
Một số hình ảnh vườn rau nhà anh Toàn.
Về phân bón, anh Toàn sử dụng phân hữu cơ ủ từ vỏ hoa quả, vỏ trứng, cơm thừa cho vườn rau sân thượng. Khi dùng để tưới, loại phân này được pha theo tỉ lệ một lít nước rác ủ cho một thùng nước 18 lít, tưới vào gốc cây và phun rửa lá cho sạch, cách ly 5-7 ngày sau mới sử dụng rau đó.
Ngày thường, người đàn ông này dành 30 phút buổi sáng và 30 phút buổi chiều để chăm sóc vườn sân thượng vì còn bận đi làm. Riêng thứ 7 và chủ nhật, thời gian tăng lên 3-4 tiếng. Vợ cũng giúp anh chăm sóc rau cỏ hàng ngày.
Với diện tích và mô hình hiện tại, gia đình anh Toàn đủ rau ăn quanh năm. Các con dù đi học xa nhưng vẫn trở về hàng tuần, đem rau nhà trồng đi ăn.
“Tôi thích nhất cảm giác không cần phải đi chợ hay mua bán gì, mỗi ngày chỉ cần mang rổ lên sân thượng là sẵn có rau sạch”, anh nói.
Trang Vy