Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Phi hành gia ‘cô đơn nhất’ lịch sử





Phi hành gia cô đơn nhất lịch sử

Phi hành gia Michael Collins. Ảnh: NASA

Năm 1969, trong lúc Neil Armstrong và Buzz Aldrin thực hiện những bước đi đầu tiên của nhân loại trên bề mặt Mặt Trăng, Michael Collins ngồi một mình trong module chỉ huy Columbia của tàu vũ trụ Apollo 11 và bay phía sau vùng tối của Mặt Trăng. Ông chịu trách nhiệm điều khiển module Eagle đưa hai đồng nghiệp đáp xuống bề mặt thiên thể này một cách an toàn. Khi đó, mọi liên lạc với Trái Đất bị cắt đứt do Mặt Trăng cản trở, khiến Collins bị chia cắt hoàn toàn với nhân loại và cũng cách xa nhà hàng trăm nghìn km.

“Lúc này tôi chỉ có một mình, thực sự một mình, và hoàn toàn bị cô lập khỏi cuộc sống. Nếu đếm thì số người sẽ là ba tỷ cộng thêm hai ở phía bên kia của Mặt Trăng, và chỉ một (cộng thêm những thứ chỉ Chúa mới biết) ở phía bên này”, Collins viết trong cuốn sách xuất bản năm 1974 của mình Carrying The Fire: An Astronaut’s Journeys.

Trải nghiệm này sau đó chỉ có 6 người khác cảm nhận được. Tuy nhiên, Collins không hề lo sợ với trải nghiệm và luôn cảm thấy kỳ lạ khi giới truyền thông miêu tả mình là “người đàn ông cô đơn nhất lịch sử”. “Tôi cảm thấy, không phải sợ hãi hay cô đơn, mà là cực kỳ mong đợi, hài lòng, tự tin, gần như là hân hoan. Tôi thích cảm giác đó”, ông viết.

“Ngoài cửa sổ, tôi có thể thấy những ngôi sao, tất cả chỉ có thế. Nơi tôi biết có Mặt Trăng thì chỉ là một khoảng tối đen. Tôi chỉ xác định được Mặt Trăng vẫn hiện diện nhờ sự vắng mặt của những ngôi sao. Để so sánh cảm giác này với điều gì đó ở Trái Đất thì có lẽ việc ở một mình trên một chiếc thuyền nhỏ giữa Thái Bình Dương trong màn đêm tối đen sẽ gần giống nhất với tình huống của tôi”, ông miêu tả.

Collins đã ở lại trong module chỉ huy Columbia suốt 21 tiếng, trong khi Buzz Aldrin và Neil Armstrong hạ cánh xuống Mặt Trăng và thực hiện chuyến đi bộ lịch sử. Khi Armstrong và Aldrin trở về từ Mặt Trăng, Collins đã chụp ảnh Trái Đất, Mặt Trăng và module Eagle chở hai phi hành gia này. Như vậy, Collins trở thành người Trái Đất duy nhất không xuất hiện trong bức ảnh.





Phi hành gia cô đơn nhất lịch sử - 1

Michael Collins chụp ảnh module Eagle của tàu Apollo 11, Mặt Trăng và Trái Đất. Ảnh: NASA

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian vào tháng 7/2009, Collins nói rằng ông đã rất lo lắng cho sự an toàn của Armstrong và Aldrin. Ông lo sợ họ sẽ bỏ mạng trên Mặt Trăng, buộc ông phải trở về Trái Đất một mình với tư cách là người sống sót duy nhất của nhiệm vụ. May mắn là cả ba phi hành gia cuối cùng đã trở về an toàn vào ngày 24/7/1969. Nhiệm vụ kéo dài tổng cộng 8 ngày, 3 giờ, 18 phút, 35 giây và trở thành một cột mốc lịch sử, đánh dấu lần đầu tiên con người đặt chân lên Mặt Trăng.

Năm 1971, sau khi kết thúc công việc tại NASA, Collins trở thành Giám đốc Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia Mỹ. Ông đảm nhận vị trí này cho đến năm 1978, khi bắt đầu làm việc tại Viện Smithsonian. Trong thời gian này, Collins vẫn ở trong Lực lượng Dự bị Không quân Mỹ, đạt quân hàm Thiếu tướng năm 1976 và nghỉ hưu năm 1982. Tháng 4/2021, gia đình báo tin ông đã qua đời ở tuổi 91 sau một thời gian chiến đấu với bệnh ung thư.

Với những đóng góp to lớn trong công cuộc chinh phục không gian, sự ra đi của Collins để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng công chúng. Tổng thống Mỹ Joe Biden, Steve Jurczyk – khi đó là một giám đốc tại NASA – và các đồng nghiệp đã gửi lời chia buồn tới gia đình Collins, không quên nhấn mạnh những đóng góp của ông cho thế giới.

Thu Thảo (Theo IFL Science)



Leave a Comment

0.0/5