Tôi là nhân viên văn phòng, lương khoảng 20 triệu đồng. Tôi vừa không có thời gian, vừa ít đủ kiên nhẫn theo dõi thị trường sát sao. Do đó, tôi tính dành tiền tiết kiệm để mua chứng chỉ quỹ.
Chuyên gia nghĩ tôi có phù hợp không? Tôi nên dành 7 triệu đồng tiết kiệm mua chứng chỉ quỹ đều mỗi tháng hay cần tham khảo thêm hình thức khác để kết hợp cùng?
Nhật Cường
Chuyên gia trả lời:
Thứ nhất, để đảm bảo kế hoạch đầu tư của bạn không bị gián đoạn, ảnh hưởng bởi những sự kiện rủi ro bất ngờ, đảm bảo hiệu quả đầu tư trong dài hạn, tôi muốn đề cập tới kế hoạch bảo vệ trước khi nói tới đầu tư.
Theo đó, việc chuẩn bị một kế hoạch bảo vệ, phòng thủ sẽ giúp đảm bảo tính thanh khoản lúc có trường hợp rủi ro xảy ra, ví dụ như sửa chữa nhà khi có thiên tai hỏa hoạn hoặc tiền khám chữa bệnh cho người thân. Ngoài ra, chúng cũng giúp không bị gián đoạn, ảnh hưởng hiệu suất đầu tư trong dài hạn. Nếu chỉ tập trung cho đầu tư mà không có kế hoạch phòng thủ, khi có rủi ro về sức khỏe và tính mạng, bạn buộc phải bán tài sản, thậm chí bán lỗ.
Kế hoạch dự phòng được xây dựng từ khoản tiền thu nhập hàng tháng. Khoản tiết kiệm này nên được trích trước phần chi tiêu để xây dựng hai quỹ: quỹ dự phòng khẩn cấp 3-6 tháng chi tiêu và bảo hiểm nhân thọ với mức chi phí 5-8% thu nhập trung bình tháng.
Sau khi đã chuẩn bị kế hoạch phòng thủ vững chắc, bạn bắt đầu kế hoạch “tấn công” về đầu tư. Cần xem xét các thành phần của một danh mục đầu tư hiệu quả, bao gồm các yếu tố sau đây.
Đầu tiên là khả năng sinh lời hiệu quả, phù hợp khẩu vị rủi ro. Ví dụ, khẩu vị rủi ro thấp thường ứng với mức tăng trưởng tài sản trung bình từ 8-10% một năm, khẩu vị rủi ro cao mức sẽ hướng đến tăng trưởng tài sản 12-15% một năm. Khẩu vị rủi ro không chỉ là thái độ chấp nhận rủi ro mà còn phụ thuộc vào đặc điểm nhân khẩu học. Người gần về hưu sẽ có mức độ chấp nhận rủi ro thấp hơn người trẻ mới đi làm.
Thứ hai, tính đa dạng trong danh mục tài sản. Cần tối thiểu hai lớp tài sản khác nhau. Cụ thể, nếu có ý định đầu tư chứng chỉ quỹ, bạn vẫn cần lớp tài sản khác ví dụ tiền gửi tiết kiệm hoặc bất động sản. Việc lựa chọn tài sản đầu tư khác phụ thuộc vào mục tiêu lợi nhuận mong muốn.
Thứ ba là tính thanh khoản. Danh mục tài sản cần có sự cân bằng giữa tài sản thanh khoản cao, trung bình và thấp.
Cuối cùng là tối ưu về rủi ro. Cùng một mức tăng trưởng lợi nhuận nhưng tối ưu rủi ro là cách giúp nhà đầu tư đạt lợi nhuận mong muốn và chịu mức rủi ro thấp hơn. Ví dụ, với mức tăng trưởng lợi nhuận 8% một năm, việc gửi tiền tiết kiệm sẽ tối ưu hơn việc đầu tư một căn hộ cũ đã bàn giao được 15 năm.
Như vậy, khi xem xét việc đầu tư chứng chỉ quỹ có phù hợp hay cần kết hợp đầu tư các tài sản khác, bạn hãy đánh giá danh mục đầu tư theo 4 tiêu chí trên. Xét riêng về đặc điểm của chứng chỉ quỹ, tôi sẽ phân tích các ưu điểm dành cho nhà đầu tư không chuyên như sau.
Chứng chỉ quỹ giúp tận dụng lợi thế “người khổng lồ”. Người khổng lồ ở đây chính là các quỹ đầu tư, nơi quy tập những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Họ có lợi thế hơn nhà đầu tư không chuyên về kiến thức, thông tin và kinh nghiệm. Những lợi thế này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư.
Danh mục đầu tư đảm bảo sự đa dạng, phân tán rủi ro. Nhà đầu tư cá nhân do hạn chế về kiến thức, thông tin và kinh nghiệm sẽ phân bổ tài sản thiên lệch vào một hoặc một vài mã quá lớn và bị yếu tố cảm xúc chi phối trong giao dịch. Điều này dẫn đến lãi chốt lời quá sớm hoặc gồng lỗ rất lâu. Họ cũng thường chỉ giải ngân lớn một lần khiến hiệu suất đầu tư bị chi phối bởi khả năng timing (định thời gian mua bán) rất lớn.
Bên cạnh đó, chứng chỉ quỹ phù hợp với kế hoạch đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư ngoại thường đánh giá Việt Nam là thị trường còn nhiều dư địa phát triển trong nhiều năm. Thực tế, hiệu suất tăng trưởng của thị trường chứng khoán từ năm 2001 đến năm 2022 là 15% một năm (đã bao gồm 3% cổ tức mỗi năm). Việc đầu tư đa dạng nhiều cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp chính là kế hoạch đầu tư dài hạn thông minh mà nhiều nhà đầu tư nên làm.
Như vậy, chứng chỉ quỹ là một lựa chọn tốt với nhà đầu tư cá nhân không chuyên. Tuy nhiên, việc đầu tư cần lưu ý ba điểm sau đây. Trước hết, lựa chọn quỹ phù hợp với mục tiêu đầu tư tăng trưởng mạnh, cân bằng hay dòng tiền. Thứ hai là phải tối ưu về chi phí. Nhà đầu tư nên lựa chọn quỹ có phí mua – bán, phí quản lý hàng năm thấp. Trong kế hoạch đầu tư dài hạn, các loại phí này là nhân tố ngầm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sinh lời. Thông thường, quỹ ETF (quỹ thụ động) phí quản lý thấp hơn quỹ chủ động.
Cuối cùng, nhà đầu tư nên áp dụng đầu tư chứng chỉ quỹ theo phương pháp tích sản. Thực tế thói quen mua tích lũy đều đặn được người dân áp dụng rất tốt với vàng. Tuy nhiên, thói quen này với chứng chỉ quỹ chưa thực sự phổ biến và được thực hiện tốt. Việc mua đều tích lũy sẽ giúp nhà đầu tư trung bình giá tốt hơn. Đây cũng là lợi thế của nhà đầu tư nhỏ lẻ khi có dòng tiền đều từ lương hàng tháng.
Nguyễn Thị Thu Uyên
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT