Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Người nước ngoài học cách sống chung với ngập ở TP HCM

Nhiều tuyến đường ở TP Thủ Đức, cửa ngõ phía đông TP HCM, chiều 14/8 ngập sâu sau trận mưa nặng kéo dài khoảng một giờ, có nơi nước ngập ngang yên xe, khiến người dân gặp khó khăn khi tham gia giao thông.

Từng làm việc tại khu Thảo Điền và sống ở quận 4, Tyler Maurice Kooy, chủ một quán bar – nhà hàng ở TP HCM, nói anh đã dần quen với những con đường “cứ mưa là ngập” trong 7 năm sinh sống và làm ăn tại đây.





Nước ngập ngang yên xe người dân tại TP Thủ Đức chiều 14/8. Ảnh: Quỳnh Trần

Nước ngập ngang yên xe người dân tại TP Thủ Đức chiều 14/8. Ảnh: Quỳnh Trần

“Thảo Điền là nơi ngập thường xuyên, khiến tôi không ít lần rơi vào cảnh xe chết máy, phải dắt bộ đến chỗ làm. Có những lúc tôi phải gửi nhờ xe, lội bộ quãng dài dài để đến chỗ làm hoặc nơi hẹn”, Tyler kể với VnExpress về thời gian đầu sống tại thành phố.

Người đàn ông Mỹ 32 tuổi này cho hay từng sống ở thành phố Seattle thuộc bang Washington, nơi gần như mưa quanh năm nhưng không bao giờ bị ngập. Anh cho rằng Seattle có địa hình cao, các trận mưa cũng không quá lớn, nên dễ thoát nước hơn.

Bởi vậy, khi mới đến TP HCM và chứng kiến cảnh đường phố ngập nước bẩn, bốc mùi khó chịu sau mỗi trận mưa, anh lại cảm thấy vô cùng khó chịu và không muốn ra đường.

Sở Xây dựng TP HCM cho biết vào năm 2021, khi bắt đầu thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải, thành phố có 18 tuyến đường thường ngập do mưa lớn, trong đó có Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát thuộc quận Tân Bình và đường Nguyễn Hữu Cảnh thuộc quận Bình Thạnh.

Sau hai năm thực hiện chương trình, thành phố đã giải quyết được 5 tuyến đường thường xuyên ngập. Trong năm nay, TP HCM dự kiến hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư với công trình cải tạo hệ thống thoát nước ở khu dân cư Thảo Điền, gồm các đường Thảo Điền, Quốc Hương, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Hưởng.

Trong một trận bão năm 2019, Tyler chứng kiến đường phố Sài Gòn “thất thủ” vì nước ngập. Anh không thể nào chạy được xe máy từ trung tâm tiếng Anh ở quận 5 về nhà tại quận 4, nên phải chấp nhận đi bộ 4-5 km, vượt qua một số nơi nước ngập đến đầu gối, trong khi người dân hai bên đường cuống cuồng dùng xô tát nước ra khỏi nhà. Anh thở phào khi về đến nhà an toàn, dù rơi mất một chiếc giày.

“Lúc đó, tôi không biết xử trí thế nào mỗi khi chạy xe mà gặp đoạn đường ngập. Dần dần, tôi để ý thấy người dân địa phương thường chạy xe lên lề tránh chết máy. Giờ đây, tôi thi thoảng cũng phải chấp nhận leo lề theo họ”, anh nói.

Tyler từng phải dùng Google Maps để tính trước đường đi mỗi khi trời mưa, tránh các đoạn ngập. Sau nhiều năm, anh giờ đây “nắm rõ trong lòng bàn tay” các đoạn đường thường xuyên bị ngập cũng như phương án đi đường vòng. “Tôi nghĩ mình sẽ là tài xế xe ôm xuất sắc”, anh nói đùa.

Joseph Sheehan, 45 tuổi, sống ở TP HCM 15 năm qua, cũng có những trải nghiệm không mấy dễ chịu khi ra đường vào ngày mưa. Một lần, xe Sheehan chết máy khi chạy qua đoạn ngập sâu, khiến anh phải dắt bộ về nhà và bị ốm vài ngày.

Vượt qua những lúng túng thời gian đầu từ Mỹ sang Việt Nam, Joseph giờ đây đã quen với cảnh ngập lụt và không còn cảm thấy bực mình nữa. “Đơn giản là chỉ cần tìm đường khác hoặc đi chậm qua chỗ ngập. Tôi không ngại ướt vì mưa, mà chủ yếu khó chịu với nước bẩn”, anh nói.

Joseph mong muốn thành phố sẽ sớm nâng cấp đường phố và hệ thống thoát nước để cải thiện tình hình. Anh hy vọng những công trình mới mọc lên ở quận 2, nơi tập trung nhiều người nước ngoài, sẽ được tính toán kỹ về hệ thống thoát nước để tránh cảnh “mưa xuống là ngập”.





Người nước ngoài đạp xe trên đường Quốc Hương, trong khu Thảo Điền, ngập đoạn dài hơn 200 m và có đoạn sâu hơn 30 cm ngày 8/5. Ảnh: Thanh Tùng

Người nước ngoài đạp xe trong khu Thảo Điền của TP HCM, qua đường Quốc Hương ngập đoạn dài hơn 200 m và có điểm sâu hơn 30 cm, vào ngày 8/5. Ảnh: Thanh Tùng

Alex, người gốc Nam Mỹ đã sống và làm việc ở TP HCM 7 năm qua, cho biết đường ngập không chỉ gây bất tiện về đi lại mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, làm mất lòng đối tác lẫn chậm trễ tiến độ hợp đồng.

“Công ty tôi từng đón đối tác từ nước ngoài sang và họ thuê nhà ở Thảo Điền. Hôm ấy, đường ngập nặng và chúng tôi mất khoảng 4 tiếng mới đến được nhà máy. Điều này khiến đối tác không còn thời gian để kiểm định những đề mục mà họ đặt ra, do phải sớm ra sân bay để bắt kịp chuyến về Pháp”, anh kể.

Có lần, công ty của Alex tổ chức tiệc chia tay đồng nghiệp về nước. Điều trớ trêu là toàn bộ công ty không ai đến đúng giờ, kể cả giám đốc cấp cao, vì triều cường cùng mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ngập sâu.

Alex cảm thấy tình hình ngập ở thành phố “cải thiện đôi chút” so với thời điểm anh mới đặt chân đến đây, nhưng tin rằng đường phố sẽ ít ngập hơn mỗi khi trời mưa nếu mọi người hạn chế xả rác thải nhựa, túi nylon bừa bãi gây tắc cống thoát nước.

“Khi trời mưa, tôi thấy hầu như cống nào cũng nghẽn đầy rác. Đây là câu chuyện về ý thức chung của xã hội, không thể đổ lỗi hết cho cơ quan quản lý”, anh nói.

Với Tyler, những ngày tháng “sống chung với ngập” giúp anh hiểu và thông cảm hơn cho nhân viên quán bar, nhà hàng của mình mỗi khi mưa lớn và không quá khắt khe về việc chấm công. Anh hiểu rõ về rủi ro tai nạn giao thông và sự cố về điện tiềm ẩn ở những đoạn đường ngập, dù đùa rằng nhân viên của mình “có khi thích trời mưa hơn” để đi làm muộn.

“Đến từ xứ lạnh, tôi thấy khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam rất tuyệt vời. Ngay cả khi chịu những trận ngập, tôi vẫn thấy ổn hơn so với cảnh lạnh cóng mỗi ngày. Thà bị ướt một chút, còn hơn phải chồng lên người hàng chục loại áo khoác chống lạnh”, Tyler nói.

Anh Hoàng – Thanh Danh



Leave a Comment

0.0/5