Tàu Luna 25 mất liên lạc với bộ phận điều khiển ở cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos hôm 19/8. Hôm 20/8, Nga thông báo con tàu đã ngừng hoạt động. Báo cáo ban đầu từ giám đốc Roscosmos, Yury Borisov, cho biết phương tiện gặp vấn đề ở động cơ. Động cơ của tàu không vận hành như dự kiến khi Luna 25 điều chỉnh quỹ đạo trước khi hạ cánh. Thất bại này giáng một đòn chí mạng vào tham vọng của Roscosmos. Nga đang tìm cách chứng minh chương trình vũ trụ vốn đối mặt nhiều vấn đề của họ vẫn có thể đạt được thành tựu ấn tượng như trong cuộc đua vũ trụ ở thế kỷ 20.
Dưới thời Liên Xô, Nga từng hạ cánh an toàn 7 tàu vũ trụ trên bề mặt Mặt Trăng, bao gồm nhiệm vụ hạ cánh nhẹ nhàng đầu tiên năm 1966. Borisov thừa nhận thành công thời Liên Xô ở thế kỷ trước không dễ lặp lại. “Về cơ bản, chúng tôi cần làm chủ mọi công nghệ một lần nữa, tất nhiên là ở một trình độ kỹ thuật mới”, Borisov chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn hôm 22/8.
Borisov cam đoan Roscosmos có thể đi đúng hướng. Cơ quan vũ trụ của Nga sẽ đẩy nhanh hai nhiệm vụ Mặt Trăng tiếp theo là Luna 26 và Luna 27, có thể cung cấp cho Roscosmos mọi thông tin khoa học chưa thể thu được sau thất bại của Luna 25. Tuy nhiên, các chuyên gia đang nghi ngờ liệu chính phủ Nga có đủ năng lực hoặc ý chí để biến điều đó thành hiện thực hay không, đặc biệt khi đất nước đối mặt nhiều trừng phạt quanh chiến sự Ukraine và Roscosmos dường như không có tầm quan trọng đối với Kremlin.
“Ngay cả khi Nga tiếp tục chương trình Luna, điều đó không hẳn có bất kỳ ý nghĩa gì lúc này. Câu hỏi là họ có thể tiếp tục hay không? Liệu họ có khả năng tiếp tục hay không”, Robert Pearson, thành viên sáng lập Phòng thí nghiệm ngoại giao không gian ở Đại học Duke, nhấn mạnh. Theo ông, hậu quả của thất bại này là nó dấy lên câu hỏi liệu Nga có “nghiêm túc trong cuộc đua vũ trụ”.
Nỗ lực hạ cánh trên Mặt Trăng thất bại của Nga xảy ra giữa bối cảnh hàng loạt nỗ lực khám phá Mặt Trăng khác được thiết kế bởi các nước vốn không phải cường quốc vũ trụ. Luna 25 bay cùng thời điểm với tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ, dự kiến hạ cánh trên Mặt Trăng sớm nhất vào tối nay. Hàng chục nước khác cũng lên kế hoạch cho các nhiệm vụ Mặt Trăng trong những năm tới, bao gồm Mỹ với chương trình Artemis III có thể đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2025.
“Chi phí khám phá vũ trụ đã giảm. Chi phí đó không phải rẻ nhưng đã trở nên dễ chịu hơn đôi chút và tôi nghĩ đó là lý do nhiều nước có thể thử sức hơn”, Victoria Samson, giám đốc văn phòng tại Washington của tổ chức phi lợi nhuận Secure World Foundation chuyên xúc tiến khám phá vũ trụ hòa bình, chia sẻ.
Tuy thất bại của Luna 25 là một bước lùi lớn đối với tham vọng vũ trụ của Nga, việc đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng vẫn luôn là vô cùng khó khăn. Nhiệm vụ gần đây nhất là tàu vũ trụ Chandrayaan-2 của Ấn Độ cũng thất bại. Hai tàu vũ trụ thương mại khác đâm xuống Mặt Trăng từ năm 2019. Tuy nhiên, giới chuyên gia có thể đặt kỳ vọng khác với Nga bởi họ có kinh nghiệm từ thời Liên Xô. Nếu Ấn Độ hạ cánh an toàn tàu vũ trụ trên bề mặt Mặt Trăng, điều đó sẽ làm mất đi uy thế, sức ảnh hưởng và năng lực công nghệ của Nga.
Trong những năm gần đây, Roscosmos bị kìm hãm bởi nhiều vấn đề như kinh phí, quản lý chất lượng và tham nhũng. Cơ quan vũ trụ này cũng đối mặt sự cô lập từ các quốc gia phương Tây từ khi Nga tiến hành chiến sự ở Ukraine vào tháng 2/2022. Ví dụ, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) dự định hợp tác với Roscosmos trong nhiệm vụ Luna 25 cũng như vài nhiệm vụ khám phá khác, nhưng ESA đã dừng hợp tác sau khi chiến sự nổ ra.
Hiện nay, những câu hỏi xoay quanh phản ứng từ đối tác vũ trụ thân cận nhất của Nga là Trung Quốc trước thất bại của Luna 25. Hai nước tuyên bố hợp tác xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế để cạnh tranh với Mỹ và đồng minh trong chương trình Artemis của NASA. Trung Quốc cũng là nước duy nhất hạ cánh tàu vũ trụ trên Mặt Trăng trong thế kỷ 21.
Tàu vũ trụ Luna 25 dự kiến hạ cánh ở cực nam của Mặt Trăng. Đây cũng là khu vực Ấn Độ dự định đặt trạm đổ bộ Chandrayaan-3 và nơi NASA lên kế hoạch đưa phi hành gia và các nhiệm vụ robot tới trong tương lai. Mối quan tâm với cực nam của Mặt Trăng bắt nguồn từ băng nước. Giới khoa học cho rằng có một lượng nước lớn lưu trữ gần cực nam, bị đông cứng ở những miệng hố bị che khuất. Băng nước có thể cực kỳ quý giá đối với tương lai của khám phá vũ trụ. Nguồn tài nguyên hiếm này có thể cung cấp nhiên liệu cho nhiệm vụ bay vào không gian sâu hoặc biến đổi thành nước uống cho phi hành gia lưu lại dài hạn.
Do rất khó tiếp cận bởi động lực quỹ đạo, cực nam hầu như chưa được khám phá. Tuy nhiên, Pearson hoài nghi lý do Nga chọn bay thẳng tới cực nam trong nhiệm vụ Mặt Trăng đầu tiên sau gần 50 năm. “Tất cả những gì họ cần làm là hạ cánh ở đâu đó trên Mặt Trăng và chứng minh cho thế giới thấy họ đang tham gia cuộc đua. Theo ý tôi, họ đã chọn giải pháp liều lĩnh thay vì có thể lựa chọn an toàn hơn”, Pearson nhận xét.
Quốc gia nào tới Mặt Trăng và ở thời điểm nào sẽ tác động tới cách các nhà khoa học sử dụng dữ liệu thu thập được. Ví dụ, Ấn Độ đã ký kết Hiệp định Artemis với NASA, bao gồm tuân thủ quy định khám phá Mặt Trăng và đồng ý chia sẻ dữ liệu khoa học.
An Khang (Theo CNN)