Diễn viên nói về công việc, cuộc sống ở tuổi 39, dịp đóng vai Công trong phim truyền hình mới.
– Anh nghiên cứu thế nào để nhập vai người đàn ông cục mịch trong phim của đạo diễn Nguyễn Đức Hiếu, Lê Đỗ Ngọc Linh?
– Trong gia đình có nhiều thành viên, tôi ví Công như một nốt trầm giữa bản nhạc vui tươi, cũng có nhiều lớp lang tâm lý. Anh ta khép kín, không khéo ăn nói, ít thể hiện cảm xúc. Làm nghiên cứu nông nghiệp, ít mối quan hệ xã hội nên Công ngại giao tiếp, thích ở một mình. Công và vợ khác biệt tính cách nhưng đến với nhau vì lỡ có bầu, anh không quan tâm cô. Nhân vật gia trưởng ở đầu phim nhưng dần thay đổi. Tôi nghĩ ở xã hội Á Đông, những người đàn ông có tư tưởng cổ hủ như Công không thiếu, nhưng ít ra trong phim anh ta đã sửa sai, trở nên dịu dàng, yêu thương vợ.
– Anh nói sao khi nhân vật nhận nhiều phản ứng tiêu cực của khán giả trong chặng cuối phim?
– Những lúc rảnh, tôi vẫn đọc bình luận của khán giả, trân trọng từng ý kiến. Tôi nghĩ khán giả choáng ngợp bởi các nhân vật liên tiếp xảy ra biến cố, trong đó gia đình Công gặp nhiều bi kịch nhất. Vợ Công sảy thai lần thứ ba. Anh không an ủi mà lại ly hôn cô. Khi đóng cảnh Công phá cũi của con hay chia tay vợ, nước mắt tôi cứ tự chảy ra. Nhân vật rất thương vợ, khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, anh ta cố cư xử lạnh lùng để giải thoát cho cô. Cuối phim, người xem sẽ thấy những điều “vui bất thình lình”, giúp xoa dịu tâm lý đúng như tên tác phẩm.
Tôi nhận nhiều tin nhắn “ném đá”, có người thậm chí nhắn tin đe dọa: “Anh mà không quay về với chị Phương, chúng tôi sẽ lập nhóm anti anh”. Một số người khác thì nhẹ nhàng hơn. Trong phim, tôi hay mặc trang phục rộng, tối màu. Họ nhắn tin hỏi: “Anh mua chiếc áo này ở đâu vậy để em mua cho bố”.
– Xuất thân trong gia đình không khá giả, lại bị bố mẹ phản đối làm nghệ thuật, điều gì khiến anh theo nghề diễn?
– Lúc nhỏ, tôi xem phim qua băng đĩa và có thắc mắc rất trẻ con: “Tại sao người này hôm qua đã chết mà hôm nay lại sống dậy đóng phim khác?”. Lên cấp hai, tôi bắt đầu nhen nhóm suy nghĩ về nghề diễn, thấy nó khá thú vị, được sống nhiều cuộc đời khác nhau. Tôi quê ở Thanh Hóa, thời điểm thi đại học năm 2003, mọi thứ còn rất thiếu thốn, từ điều kiện học tập đến thông tin, cũng ít có cơ hội kết nối internet.
Tôi thường hay đạp xe xuống thành phố, mua tạp chí có in ảnh các diễn viên Hong Kong, đọc và tìm hiểu về họ. Khi tôi quyết định thi Đại học Sân khấu Điện ảnh, tỷ lệ người thân phản đối lên đến 80%. Họ hàng nói với tôi: “Ôi giời, những việc đó dành cho các bạn ở thành phố, mình nhà quê chân đất mắt toét, sao mà làm được”. Tôi thoáng buồn nhưng lấy đó làm động lực để chứng minh điều ngược lại. Tôi hứa với gia đình nếu không đỗ sẽ học lại và thi vào trường bố mẹ chọn.
Trước ngày thi hai tháng, tôi xem tivi, tình cờ thấy thông báo tuyển sinh lớp diễn viên sân khấu, điện ảnh ở Cung văn hóa thiếu nhi thành phố. Bạn thân tôi cũng đăng ký lớp năng khiếu thể thao. Hai thằng mỗi cuối tuần thay phiên nhau đạp xe 17 km đi học. Nhờ vậy, tôi có kiến thức cơ bản về nghề. Khi ra Hà Nội thi, tôi đăng ký ở ký túc, xem các bạn tập luyện, lại được các anh chị khóa trên hướng dẫn thêm nên đỗ ngay lần đầu. Học hết năm nhất, tôi nhận được học bổng ngành diễn xuất của chính phủ Hàn Quốc.
– Những năm tháng học tập ở Hàn Quốc cho anh trải nghiệm gì?
– Trước khi sang Hàn, mẹ tôi đã nợ một đống tiền ngân hàng vì lo cho tôi ăn học, tôi nghĩ cơ hội này giúp gia đình bớt gánh nặng. Tôi học tiếng một thời gian, sau đó học lại từ năm nhất. Áp lực học tập ở nước ngoài rất kinh khủng. Nếu bị ba điểm F trong một năm, bạn sẽ bị trả về nước. Nhiều bạn học trong khóa chúng tôi năm ấy bị điểm kém, phải ra đi. Có những ngày, chúng tôi tập luyện từ tối đến 5-6h hôm sau, 9h lại vào lớp tiếp theo, trong ba lô luôn có quần áo, khăn mặt, bàn chải.
– Từng xuất hiện trong phim “Hello Stranger” của đạo diễn Kim Dong Hyeon, vì sao anh không ở lại Hàn tìm kiếm cơ hội mà về nước lập nghiệp?
– Năm 2007, khi đang học năm thứ ba, tôi tham gia dự án, vào vai một người nhập cư bất hợp pháp. Tác phẩm sau đó đoạt giải của Hội Điện ảnh châu Á. Khi tốt nghiệp, tôi cũng được một số công ty chuyên quản lý nghệ sĩ nước ngoài mời ký hợp đồng. Tuy nhiên, ở thời điểm ấy, các đề tài có người nước ngoài của điện ảnh, truyền hình Hàn không nhiều. Nếu ở lại, tôi cũng chỉ lặp lại vai diễn cũ. Bởi diễn viên của họ quá nhiều, chẳng ai chọn một nghệ sĩ Việt đóng người Hàn cả. Tôi muốn tạo dựng tên tuổi ở Việt Nam thay vì ở nước ngoài tìm kiếm cơ hội mong manh. Nếu được, tôi muốn tham gia các phim hợp tác.
– Anh gặp khó khăn gì thời mới về nước?
– Tổng thời gian tôi học đại học mất sáu năm, trong khi các bạn cùng lứa đã đóng phim từ thời là sinh viên, có kinh nghiệm, chỗ đứng. Tôi không có nhiều vai, phải đi làm phiên dịch kiếm sống. Dù sao cũng phải giải quyết xong cơm áo gạo tiền, no cái bụng mới làm nghệ thuật được. Hồi ấy, mức lương phiên dịch tiếng Hàn còn cao hơn cả tiếng Anh.
Khi còn trẻ, muốn áp dụng những điều mình học được vào nghề nhưng từng có người dội gáo nước lạnh, nói: “Sự ơi, đây là Việt Nam, đừng diễn theo kiểu Hàn Quốc nữa”. Tôi khá sốc, nghĩ: “Kiểu Việt Nam là gì mà kiểu Hàn Quốc là gì? Vậy mình đi học để làm gì?”. Cuối cùng, tôi thích nghi tốt hơn, không bận lòng chuyện cũ bởi đạo diễn cũng có người này người kia.
– Anh có dự định gì trong thời gian tới?
– Tôi dành tám tháng quay phim Gia đình mình vui bất thình lình nên từ chối khá nhiều dự án khác ở cả trong Nam, ngoài Bắc. Tôi có công ty giải trí, sáng tạo nội dung quảng cáo, đang gặp nhiều khó khăn sau dịch và suy thoái kinh tế nhưng vẫn cố gắng duy trì. Tôi thấy mình là người máu kinh doanh. Từ nhỏ, nhà gần bến tàu, tôi giúp mẹ bán hàng, sau đó tự bán vài cây mía kiếm lời. Lao động chân tay từ bé, tôi không nề hà việc gì. Tôi hy vọng mọi chuyện dần tốt lên. Hiện tôi chưa nghĩ về việc lập gia đình, muốn tập trung sự nghiệp.
Quang Sự sinh năm 1984 ở Thanh Hóa, tốt nghiệp khoa diễn xuất Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc. Anh từng góp mặt trong các phim như Để Mai tính 2 (Để Hội tính), Ống kính sát nhân, Đò xuôi vạn lý, Yêu hơn cả bầu trời, Người lắng nghe.
Hà Thu