Hồng Hà quen Hà Văn Thịnh đầu năm 2013 trong một chuyến về chơi nhà bạn. Chàng trai khi đó làm thợ cơ khí ở Vĩnh Phúc còn cô gái làm trong một khu công nghiệp ở Bắc Ninh, cách khoảng 60 km.
Cô gái còn nhớ như in hôm đó bị cuốn vào những câu chuyện về phong tục người Tày của Thịnh. Chất giọng đậm chất núi rừng và lối kể dí dỏm của chàng trai quê ở Khe Lếch (Hưng Khánh, Trấn Yên, Yên Bái) khiến cô ấn tượng.
Thịnh cũng thích cô gái Lạng Giang (Bắc Giang) hiền lành. Tình cảm của họ dần tiến triển. Thuở ban đầu, Hà nói đã cảm nhận được tình yêu khi bạn trai tự tay thêu tặng bức tranh hình đôi trai gái bên nhau và thường gửi cho cô những món đồ handmade.
Không lâu sau, Thịnh về thăm nhà bạn gái. Nhưng ngoại hình gầy và đen của chàng trai khiến bố mẹ Hà không ưng, thậm chí còn nghi ngờ cậu nghiện ngập. Ông bà nói thẳng với Thịnh rằng “hai đứa không hợp nhau”.
Từ đó, một mặt họ xúc tiến cho Hà đi xuất khẩu lao động hay tích cực mai mối cô cho người khác. Trong làng có một chàng trai ngoan hiền, kinh tế khá giả, lại chơi với Hà từ nhỏ nay chủ động hỏi cưới. Mọi người trong nhà thuyết phục cô đồng ý.
Trong sự ngăn cản, tình yêu của họ ngày một sâu đậm. Với Thịnh, đó là cảm giác yêu cuồng nhiệt đến mức cả tuần chỉ chờ chủ nhật được nghỉ, bất kể bạn gái đang luyện thi ở Bắc Ninh hay Mỹ Đình, Thanh Xuân, Hoài Đức (Hà Nội), anh đều đến gặp. “Có những ngày mưa lạnh buốt, tôi đi 60 km chỉ để nhìn thấy cô ấy vài phút”, Thịnh (35 tuổi) hồi tưởng.
Ngày Hà lên đường cuối năm 2015, cả gia đình đưa cô ra sân bay. Thịnh cũng chờ sẵn ở đó nhưng hai người chỉ có thể dành cho nhau những ánh mắt. Khi cả đoàn chụp ảnh kỷ niệm, đôi trẻ tranh thủ đứng gần nhau. “Nhưng chỉ được tích tắc, bà nội đã kéo mình ra chỗ khác”, Hồng Hà (30 tuổi) nhớ lại.
Hành động của bà nội khiến cô và Thịnh cảm thấy hụt hẫng.
Người yêu đi xa để lại Thịnh trong nỗi nhớ da diết. Anh kể ngay cả trong giấc ngủ cũng chợt tỉnh chờ cuộc gọi của cô. Hà vừa sang Nhật lạ nước lạ cái, lại không được dùng di động trong 6 tháng nên chỉ có thể gọi điện thoại bàn vào cuối tuần. Nhưng cước đắt, hơn một tháng sau cô mới gọi được về cho người yêu báo bình an. Trong vài phút ngắn ngủi, cả hai đều khóc.
“Yêu xa là cảm giác không hề dễ dàng. Có những lúc vì lo lắng, bất an mà tôi bảo anh nếu gặp được ai phù hợp hãy cứ tìm hiểu, tôi cũng sẽ như thế”, Hà chia sẻ. Song dù xung quanh lúc nào cũng có người theo đuổi, cô chỉ nghĩ về Thịnh.
Còn chàng trai những năm đó nghỉ việc công ty, ra ngoài kinh doanh mỹ phẩm kiếm được tiền, xung quanh cũng không ít cám dỗ nhưng “quyết không làm điều gì có lỗi với tình yêu”. Tiền kiếm được, Thịnh gửi về cho mẹ xây nhà thay cho mái nhà tranh.
Ba năm yêu xa cũng qua. Ttrước ngày về nước Hà tính sẽ gặp người yêu rồi mới về nhà. Song Thịnh nghĩ làm vậy là ích kỷ, lừa dối bề trên nên khuyên cô báo bố mẹ ra đón đúng ngày, còn anh sẽ gặp sau.
Điều Hà không thể ngờ được là Thịnh mặc áo phao, đội mũ kín mít để không ai nhận ra, cùng gia đình đón cô ở sân bay. “Có khoảnh khắc chân tôi thôi thúc muốn chạy đến trước cô ấy, nhưng phải kìm lại để cô ấy được trong vòng tay người thân”, Thịnh kể. Một tuần sau đôi trẻ mới gặp nhau.
Gia đình cứ tưởng con gái đã chia tay Thịnh, nên vẫn tiếp tục mai mối. Mọi “đối thủ” đều khiến Thịnh thấy hơn mình về mọi mặt. Sự tự ti tích tụ trong anh. Đôi lúc anh phân vân không biết Hà có đang cân nhắc người khác không.
“Một lần tôi hỏi ‘Em có xác định cưới anh không?’ thì cô ấy trả lời ‘Không’. Tim tôi như có mũi dao đâm, từ đó nhụt quyết tâm gìn giữ tình yêu này”, Thịnh kể.
Anh không lường hết được rằng cô cũng đấu tranh dữ dội với gia đình. Mẹ Hà lo gia đình Thịnh chỉ hai mẹ con neo đơn, công việc cũng chưa ổn định. “Con lấy về thì leo rừng, làm rẫy à? Con có biết làm rẫy không? Lúc con đau ốm, vợ chồng bất hòa, làm sao bố mẹ đến được”, người mẹ phân tích.
Những lo lắng của mẹ cha không phải không có căn cứ, làm cô gái giằng xé giữa bên hiếu bên tình. “Chưa bao giờ chúng mình giận nhau lâu đến thế. Anh ấy không chủ động làm lành với tôi nữa”, Hà kể.
Covid-19 khiến Thịnh trắng tay và trở về quê với trái tim tan vỡ. Anh viết một bức thư dài nói hết những ấm ức trong lòng và gửi trả tất cả những món quà Hà đã tặng.
Nhận được những món đồ kèm lá thư chia tay, Hà đau khổ nhiều ngày, cuối cùng gửi trả lại bức tranh thêu trong thùng đồ chứa tất cả món quà khác và lá thư đầy nước mắt.
Cả hai đều biết tình yêu này có quá nhiều khoảng cách mà họ không thể rút ngắn. Thịnh xóa mọi thứ liên quan tới Hà, chủ động làm quen người khác. Hà cũng tự nhủ làm con ngoan, rồi lấy người chồng gần nhà cho vừa lòng mẹ cha. Suốt nửa năm, họ bặt tin nhau.
Trong thời gian này Thịnh bị cô lập ở nhà vì dịch nên nảy ra ý tưởng làm một nhà sáng tạo nội dung chia sẻ về cuộc sống núi rừng. Kênh của anh dần dần có tiếng, nhận được những hợp đồng quảng cáo và bán hàng qua mạng, giúp chàng trai có định hướng phát triển tương lai.
Ngày đầu xuân năm đó, Hà vẫn gọi điện chúc Tết mẹ Thịnh như các năm trước. Hành động của cô khiến anh thấy mình rất tệ. Cả đêm trằn trọc với bao ký ức ùa về, để rồi anh biết tình yêu dành cho cô bấy lâu nay vẫn vẹn nguyên.
Nhưng vì Thịnh người chủ động nói chia tay và không mềm lòng dù được níu kéo, lần này Hà không đồng ý dễ dàng. Anh chàng phải mất gần nửa năm chinh phục lại cô mới đồng ý. Sau đó anh còn mang cho cô buổi lễ cầu hôn bất ngờ.
“Lần này mặc dù kinh tế vẫn chưa có nhưng anh có chí hướng cho tương lai, tôi cũng sẵn sàng đồng hành cùng anh đối mặt với bất kể khó khăn nào”, Hà chia sẻ.
Trước ngày tới nhà người yêu xin cưới, Thịnh đã đi hỏi thăm một số người thân quen về thủ tục ở Bắc Giang. Mùa thu năm 2022, chàng trai người Tày mang theo trầu cau đến xin cưới cô gái người Kinh. Bố mẹ cô không đồng ý, cũng không từ chối.
Khi đoàn nhà trai về, cha Hà vốn ít nói nhưng lần này cũng hỏi con “đã suy nghĩ kỹ chưa, sướng khổ sau này tự chịu”. Mẹ và bà nội, bà ngoại vẫn cố gắng khuyên Hà nghĩ lại.
Nhưng cô gái trước sau như một. “Cả đời này con chỉ lấy anh Thịnh. Nếu không được, xin bố mẹ, ông bà cho con đi tu”, cô nói.
Đến nước này cả nhà biết “trời không chịu đất, đất phải chịu trời” nên đồng ý tác thành. Từ lúc đó hai bên gia đình rục rịch chuẩn bị cho lễ ăn hỏi và đám cưới, cũng như hỗ trợ cho các con sớm ổn định cuộc sống. Trong ngày trọng đại cuối năm 2022, tất cả chỉ còn tiếng cười.
“Qua bao khó khăn các con mới đến được với nhau, hãy vì thế trân trọng, yêu thương nhau hơn”, bố mẹ vợ dặn dò chàng rể.
Phan Dương