Cô gái Gen Z ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đặt thiết kế hai nhà gỗ giá hơn 5 triệu đồng, trang bị đầy đủ chăn, gối, đệm, đồ ôm cao cấp cho hai chú mèo. Chúng cũng sở hữu tủ quần áo riêng – nơi chứa hàng trăm bộ trang phục, phân loại đồ ngủ và đi chơi riêng. Tất cả quần áo được sắp xếp theo mùa và các dịp lễ Tết, có giá lên đến vài chục triệu đồng.
Nuôi mèo giúp Mai Anh vơi bớt cô đơn, có cảm giác được làm mẹ khi dạy chúng đi vệ sinh đúng chỗ, hướng dẫn không cắn phá đồ đạc, lo từng bữa ăn giấc ngủ và ghi nhớ lịch khám sức khỏe định kỳ. Thậm chí con vật chỉ cần bỏ ăn hay đột nhiên nôn mửa cô sẽ phải tức tốc đưa đi bệnh viện. Trong khi đó, Mai Anh bị đau dạ dày mãn tính, thường xuyên trào ngược lại chưa từng đi khám vì thấy không cần thiết.
Ngoài lo ăn ở, tuần một lần Mai Anh đều cho mèo đi gặp gỡ giao lưu, ghép đôi tại công viên, quán cà phê để con vật vui vẻ, hạnh phúc hơn. Mỗi lần du lịch, cô đều chi tiền mua vé tàu, xe hoặc thuê ôtô riêng để mèo đi cùng. Có lần để mèo ở nhà khiến con vật căng thẳng, giận dỗi không thèm tương tác, từ đó đến nay mỗi lần ra ngoài cô đều đưa “các con” theo.
Chi 20 triệu đồng mua mèo không lông giống Sphynx đầu năm 2023, Bích Hà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội nói mệt nhoài vì chăm mèo còn khó hơn chăm bản thân.
Ngỡ mua mèo không lông dễ nuôi hơn nhưng cô gái 23 tuổi cho biết ngày một lần phải đưa vật nuôi đi tắm, cắt móng, cho uống vitamin tăng sức đề kháng. Đặc biệt giống mèo này phải chăm da cẩn thận bởi nóng quá dễ đổ mồ hôi và bị viêm da, còn lạnh lại gây mọc lông. Từ ngày nuôi mèo, cô luôn phải bật quạt hoặc điều hòa cả ngày để duy trì mức nhiệt 27 độ C để vật nuôi thoải mái, dễ ngủ.
“Tiền điện tăng gấp đôi từ khi nuôi mèo. Tôi làm sáng tạo nội dung nên thường công tác xa, mỗi lần đi phải gửi vào khách sạn thú cưng, giá khoảng 400.000 đồng một ngày”, Hà nói.
Những lần như thế cô còn phải gửi danh sách các loại thức ăn, đồ uống, giờ ăn và yêu cầu các nhân viên áp dụng theo, tránh để mèo căng thẳng, sụt cân.
Mai Anh và Bích Hà là những đại diện tiêu biểu của sự thay đổi trong thói quen nuôi động vật trong nhà của người Việt, từ “chăn nuôi thông thường” (mèo để bắt chuột, chó trông nhà) sang “đồng hành cùng nhau”. Khi đời sống vật chất càng đầy đủ, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần ngày càng cao. Mọi người bắt đầu tìm kiếm những hoạt động khác để làm phong phú cuộc sống, trong đó có nuôi thú cưng.
Bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Hà Nội) cho biết, nuôi thú cưng là cách chữa lành tâm lý, giảm căng thẳng, áp lực. “Vật nuôi giúp người cô đơn, chưa lập gia đình hoặc thiếu nơi san sẻ có cảm giác an toàn, sống trách nhiệm hơn”, bà nói.
Bác sĩ cũng cho hay nhóm người nuôi thú cưng chủ yếu thuộc nhóm người trẻ có kinh tế, muốn chia sẻ cảm xúc, giải tỏa căng thẳng. Khảo sát năm 2021 của Pety – ứng dụng cho người yêu thú cưng tại Việt Nam ghi nhận 86% người nuôi thú cưng nằm trong độ tuổi 18-35.
Theo các chuyên gia, sự thay đổi của văn hóa nuôi thú cưng tạo điều kiện để thị trường này phát triển mạnh mẽ. Báo cáo của Pet Fair Asia, ngành công nghiệp phục vụ thú cưng tại Việt Nam đã định hình rõ nét. Ước tính khách hàng Việt Nam đã chi tiêu khoảng 500 triệu USD cho việc chăm sóc thành viên gia đình đặc biệt này, chiếm 13% tổng doanh số của toàn ngành trên thị trường Đông Nam Á.
Mai Anh cho biết mỗi tháng chi hơn 10 triệu đồng tiền ăn uống và đi spa tỉa lông, tắm gội cho hai chú mèo, chưa tính chi phí tổ chức sinh nhật, đi du lịch hay mua sắm quần áo mới. Riêng mỗi lần khám bệnh hoặc con vật bị gãy xương, tiêu hóa kém, chi phí có thể tăng 2-3 lần. Nhiều thời điểm chi phí nuôi mèo tốn cả tháng lương nhưng Mai Anh nói xứng đáng bởi bản thân tìm được người bạn tri kỷ, luôn kề cạnh mỗi khi có tâm sự.
Ngoài động vật nhập ngoại, nhiều người sẵn sàng chi tiền nuôi chó, mèo ta nhưng vẫn sử dụng các dịch vụ chăm sóc tốt nhất.
Từ con mèo mướp hoang gầy gò, sau vài năm được Thùy Dương nhận nuôi, Vi (tên chú mèo) được cưng chiều, đối đãi như thành viên trong gia đình. Cô gái 29 tuổi ở quận 7, TP HCM cho biết mỗi tháng chi gần ba triệu đồng mua pate, gà sấy, vịt sấy, cá hồi, cá ngừ và các loại hạt, vitamin để tẩm bổ cho thú cưng.
“Tôi đang cho mèo ăn theo chế độ để giảm cân nhằm duy trì chỉ số sức khỏe ổn định nhưng thực đơn liên tục thay đổi để không bị chán”, Dương chia sẻ.
Cô cũng cho biết lương hàng tháng đều chi đến 2/3 để mua sắm tặng vật nuôi. Bản thân cô cũng không tiếc tiền mua tinh dầu thơm khoảng vài triệu đồng một lọ cho mèo. Mỗi năm đều mời bạn bè đến tổ chức sinh nhật Vi, thuê thợ ảnh lưu giữ kỷ niệm và phóng ảnh treo khắp nhà.
Đồng tình với quan điểm nuôi thú cưng là xu hướng của thời đại, nhưng thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang (TP HCM) khuyên mỗi cá nhân không nên tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc cho chó, mèo mà lơ là việc học tập, đi làm. Tùy vào điều kiện kinh tế của bản thân, nhu cầu chi tiêu mà nên chọn mức nuôi phù hợp, tránh việc chi phí nuôi vượt quá ngân sách chi trả, ảnh hưởng đến cuộc sống. Người nuôi thú cưng cũng phải đảm bảo con vật được chích ngừa đủ, tránh làm ảnh hưởng đến hàng xóm, gây ra những mâu thuẫn, xích mích không đáng có.
Thùy Dương chăm chút cho thú cưng đến mức lắp camera trong nhà để tiện theo dõi. Nhưng nhiều thời điểm nữ nhân viên bị sếp nhắc nhở vì trong giờ làm chỉ quan tâm vật nuôi làm gì ở nhà. Thậm chí cô nảy sinh tâm lý lười yêu, không có nhu cầu tìm bạn trai thời điểm này vì quá bận chăm mèo.
Từng vay nợ hơn 50 triệu đồng chuộc con chó giống Pull Pháp yêu thích nhưng nuôi được một năm, Mỹ Quyên, 35 tuổi, ở Hải Phòng đã tặng cho một người bạn vì thất nghiệp, không đủ tài chính chăm sóc. Cô kể mỗi tháng chi hơn 10 triệu đồng cho chó đi nhà trẻ bán trú, giúp thú cưng hòa đồng, thông minh hơn và đặc biệt có người lo cho ăn, ngủ lúc cô đi làm. Chưa kể, vì bị triệt sản khiến chó hay stress, thường xuyên phải cho đi du lịch “chữa lành”.
“Giờ thân mình còn không lo nổi, tôi không muốn cún cưng phải chịu khổ nên dứt lòng cho đi”, Quyên nói.
Thanh Nga – Quỳnh Nguyễn