Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Nỗi khổ con một

Hu Yong, hơn 50 tuổi, là giáo sư tại khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Bắc Kinh. Anh cũng là thành viên tiêu biểu của “thế hệ bánh mì kẹp”: cha vừa qua đời ở tuổi 96, mẹ 85 tuổi mắc bệnh Alzheimer, các con đều chưa thành niên, còn bản thân đang ở đỉnh cao sự nghiệp.

Trong ba năm trở lại đây, việc chăm sóc cha mẹ đã tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức lực của Hu. Hiện tại anh hầu như không rời khỏi quận Hải Điến, Bắc Kinh. Công việc và cuộc sống cá nhân đã được cắt, nén và hợp nhất thành quy trình “thay tã, dọn phân và nước tiểu, tắm rửa, giặt khăn trải giường và nấu ăn”.

Hu cho biết, anh bị đảo lộn ngày đêm. Thử thách mỗi ngày là phỏng đoán thời gian cơ thể bài tiết, bằng việc quan sát lượng thức ăn vào, tính toán thời gian tiêu hóa và lo lắng hỏi liên tục: Mẹ có cần đi tiểu bây giờ không? Mẹ có cần đi đại tiện không?

“Một sơ sẩy nhỏ đồng nghĩa gấp đôi thời gian lau chùi, dọn dẹp, thay đồ”, giáo sư Hu chia sẻ.

Câu chuyện của Hu Yong đã thu hút sự quan tâm của người dân Trung Quốc, đặc biệt 200 triệu người của thế hệ con một. Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Lão hóa Trung Quốc, tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc sẽ có 280 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, trong đó có khoảng 44 triệu người khuyết tật.

Theo dữ liệu từ Cuộc khảo sát về tuổi thọ và sức khỏe người cao tuổi do Đại học Bắc Kinh thực hiện, trung bình mất gần 4 tiếng mỗi ngày chăm sóc một người già từ 65-70 tuổi. Càng lớn tuổi, thời gian chăm sóc càng tăng.

Chăm sóc người già đang là vấn đề nổi cộm nhất ở đất nước tỷ dân.

Giáo sư Hu Yong đẩy mẹ đi dạo mỗi ngày. Ảnh: Paper

Giáo sư Hu Yong đẩy mẹ đi dạo mỗi ngày. Ảnh: Paper

Từng trải qua tình cảnh này, Alexandra, 34 tuổi, quê Hồ Nam nói: “Trước khi mẹ mắc bệnh ung thư, tôi luôn nghĩ làm con một là thật tốt”.

Chồng cô xuất thân trong một gia đình đông con, ban đầu Alexandra coi đây là nhược điểm bởi sự quan tâm chăm sóc, hay đầu tư cho giáo dục của nhà chồng đều kém hơn mình. Bố mẹ cô cũng có lương hưu và tiết kiệm để thoải mái đi du lịch khắp nơi.

Tháng 10/2020, mẹ đẻ và mẹ chồng Alexandra được chẩn đoán mắc ung thư cùng lúc. Đó là lần đầu tiên cô cảm nhận được lợi ích của nhà đông con. Trong thời gian này, các em của chồng tề tựu chăm sóc bà, còn vợ chồng cô phải về Hồ Nam chăm mẹ đẻ.

“Lúc đó tôi đang làm ở Thâm Quyến. Khi ở bệnh viện, tôi phải gọi điện làm việc tới tận khuya”, cô chia sẻ.

Ca phẫu thuật đầu thành công nhưng tháng 1/2022, bệnh tái phát và đã di căn não. Khi đó cô mới sinh con, bị thiếu ngủ trầm trọng và mắc trầm cảm sau sinh. Áp lực lên đến đỉnh điểm buộc cô phải điều trị tâm lý.

Bắt đầu từ đó, cứ đến hai ngày cuối tuần, cô lại di chuyển từ Quảng Đông về Hồ Nam với mẹ. Chỉ sau vài tháng, bệnh mẹ đến giai đoạn 4 và được thông báo còn sống được khoảng một năm. Khó khăn nhất với cô là người phải tìm kiếm và đưa ra mọi kế hoạch y tế cho mẹ. Đến cuối cùng, khi bệnh viện trả về, cô đau đớn chấp nhận từ bỏ điều trị và chuyển mẹ tới khu vực chăm sóc giảm nhẹ cuối đời.

“Có lẽ khoảnh khắc bi thảm nhất trong cuộc đời tôi là ở một mình trong đám tang của mẹ”, Alexandra nói.

Mẹ của Alexandra và con gái của cô. Ảnh: Paper

Mẹ của Alexandra và con gái của cô. Ảnh: Paper

Định cư ở Seattle, Mỹ, Summer, 38 tuổi cảm giác mình như người đi trên dây khi cha mẹ ngày càng già đi. “Nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài ngại nói về bố mẹ tuổi già. Mỗi người chỉ thầm cầu nguyện, mong cha mẹ khỏe mạnh”, cô chia sẻ.

Summer đã sống ở nước ngoài từ năm 2009, hiện có hai con 8 và 5 tuổi. Bố mẹ cô đang sống ở Nam Kinh 65 và 63 tuổi. Trước đây ông bà tận hưởng cuộc sống hưu trí. Nhưng khi bố đột quỵ năm 2020, cô cảm nhận được nỗi đau sâu sắc khi là con một.

Lúc đó dịch bệnh nên mọi chuyến bay ở Mỹ và Trung Quốc đều bị đóng. Dù có đi được thì quá trình cách ly cũng sẽ mất một tháng. Hai con cô còn nhỏ nên chỉ đành ở lại Mỹ, những việc gì giải quyết được bằng tiền sẽ cố gắng giải quyết.

Năm ngoái, bệnh não úng thủy của bố trở nặng và phải phẫu thuật lại. Mẹ cô cũng đổ bệnh một tuần trước khi bố phẫu thuật. Summer đã mang theo con nhỏ về Trung Quốc ba tuần, còn chồng vừa đi làm vừa chăm con lớn.

Trước đây cha mẹ ủng hộ cô du học, kết hôn với chồng nước ngoài và định cư Mỹ. Nhưng cô cũng thấy khi gần đất xa trời, họ hy vọng con sẽ sống gần mình hơn. Summer và cha mẹ đã có những cuộc nói chuyện cởi mở, rằng nếu muốn cô gửi tiền thì cần phải đi làm và không thể ở bên mọi lúc. Nếu muốn cô ở bên sẽ không có thể chu cấp cho bố mẹ. Hiện cô làm nhân viên tư vấn bất động sản, công việc không ổn định và kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào chồng.

“Suy cho cùng tôi bây giờ đang ở độ tuổi bánh mỳ kẹp, cha mẹ già và con thì nhỏ. Nếu bố mẹ tôi bằng lòng sang Mỹ, nhiều vấn đề có thể được giải quyết nhưng họ không muốn rời quê hương”, cô nói.

Bố của Avocadon ở viện dưỡng lão tại Hà Nam. Ảnh: Paper

Bố của Avocadon ở viện dưỡng lão tại Hà Nam. Ảnh: Paper

Ở Trịnh Châu, Hà Nam, Avocado, 34 tuổi càng thêm khốn khó vì bố mẹ ốm bệnh và đã ly hôn. Cô phải chu cấp cho cả hai. Các gia đình khác ông bà chăm nhau, còn cô chăm riêng hai người già.

Cuối cùng, cô quyết định gửi bố vào viện dưỡng lão. Tuy nhiên để ông ổn định trong này phải mất cả nửa năm chuyển đi chuyển lại nhiều nơi. May mắn đến nay sức khỏe ông ổn định. Nhưng người con một này vẫn nơm nớp những rủi ro sức khỏe với bố mẹ có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Sinh thêm một đứa con nữa cũng đang là kế hoạch của của Alexandra sau khi mẹ ốm. “Sau này con gái tôi dù không kết hôn, sinh con tôi cũng không quản, nhưng vợ chồng tôi không muốn khi chúng tôi qua đời, con phải một mình chịu đựng nỗi đau của đứa con một nữa”, cô chia sẻ.

Còn Summer, cô chỉ mong có thêm một chút thời gian để các con khôn lớn, bố mẹ từ từ già đi, còn cô có thêm tài chính để có thể trở về bên họ bất cứ lúc nào.

Bảo Nhiên (Theo Paper)



Leave a Comment

0.0/5