Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Dubai xây hệ thống ngăn lũ hút 20 triệu m3 nước/ngày

Những  chiếc xe mắc kẹt trong lụt lội do mưa lớn gây ra ở Dubai hồi giữa tháng 4. Ảnh: Reuters

Những chiếc xe mắc kẹt trong lụt lội do mưa lớn gây ra ở Dubai hồi giữa tháng 4. Ảnh: Reuters

Thông báo mới của Quốc vương Sheikh Mohammed bin Rashid Al-Maktoum được đưa ra chỉ hai tháng sau trận mưa lớn chưa từng có gây ngập lụt nghiêm trọng, khiến thành phố trên sa mạc tê liệt nhiều ngày. Dự kiến mạng lưới thoát nước mưa trải rộng sẽ hoàn thành vào năm 2033 và quá trình thi công sẽ bắt đầu ngay lập tức.

“Hệ thống sẽ bao phủ toàn bộ diện tích của Dubai và hút hơn 20 triệu m3 nước mỗi ngày”, ông Sheikh Mohammed nhấn mạnh quy mô và tầm quan trọng của dự án đối với Dubai, trung tâm của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Nhu cầu cho dự án này trở nên rõ ràng sau khi trận mưa lớn hôm 16/4 trút lượng mưa kỷ lục xuống UAE. Đường phố biến thành sông và nhà cửa ngập lụt. Tình hình càng tồi tệ hơn do thiếu hệ thống thoát nước, dẫn tới nhiều vấn đề ở sân bay quốc tế Dubai. Theo các báo cáo, đây là trận mưa dữ dội nhất ở Dubai trong 75 năm, khiến ít nhất 4 người tử vong. Sau khi ngớt mưa, Dubai phải sử dụng xe tải trang bị vòi lớn để hút nước đọng.

Theo ông Sheikh Mohammed, hệ thống thoát nước mới sẽ giúp khả năng thoát nước mưa của thành phố tăng 700% và sẵn sàng đối mặt với những thách thức khí hậu trong tương lai. Là mạng lưới thoát nước quy mô lớn nhất trong vùng, công trình đóng vai trò quan trọng giúp giảm ngập lụt trong thế giới ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Tổ chức World Weather Attribution nhận định nguyên nhân dẫn tới trận mưa lớn đến từ hiện tượng ấm lên toàn cầu do khí thải từ nhiên liệu hóa thạch gây ra, chứng tỏ những sự kiện khí hậu cực đoan như vậy nhiều khả năng sẽ trở nên ngày càng phổ biến. Trước đó, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin hoạt động gieo mây của Dubai có thể góp phần gây ra mưa lớn. Gieo mây, kỹ thuật sử dụng máy bay để phun hóa chất như kali clorua vào đám mây mưa để tăng lượng mưa, được Dubai triển khai thường xuyên để đáp ứng nhu cầu nước ngọt.

Ahmed Habib, nhà khí tượng học ở Trung tâm khí tượng quốc gia (NCM) xác nhận hoạt động gieo mây được tiến hành vài ngày trước trận mưa với các máy bay tỏa ra từ sân bay Al Ain để tác động tới những đám mây đối lưu. Tuy nhiên, giới chuyên gia và nhà chức trách nhanh chóng phủ nhận gieo mây là nguyên nhân gây ngập lụt nghiêm trọng bởi hoạt động này đã diễn ra ở Dubai từ năm 2002 mà chưa từng dẫn tới hậu quả như vậy.

An Khang (Theo Interesting Engineering)



Leave a Comment

0.0/5