Thấy mạng xã hội chia sẻ nhiều hình ảnh và video của chuột bông Capybara, anh Huỳnh Tân, nhân viên văn phòng ở quận 1 (TP HCM) mua một con loại nhỏ với giá 50.000 đồng để trưng bàn làm việc tại công ty hồi tháng 5.
“Nó được mọi người mua nhiều, trông đáng yêu nên tôi sắm theo. Con này có nét đặc trưng riêng so với thú bông khác, nhìn rất giải trí và thư giãn khi làm việc căng thẳng”, anh Tân cho biết.
Khác với một số thú bông mô phỏng theo các nhân vật tưởng tượng, Capybara xuất phát từ loài chuột lớn nhất thế giới có thật, sống chủ yếu ở vùng ao hồ Nam Mỹ. Tại các sở thú, chúng cũng được nhiều người yêu thích vì dáng vẻ hiền lành, tạo cảm giác đáng yêu, thân thiện.
Nửa năm qua, hình ảnh loài chuột lang nước xuất hiện ngày càng nhiều trên Internet, từ ảnh chụp đang ăn cỏ, tắm nắng, tắm suối nước nóng đến tranh vẽ hài hước hay phiên bản thú bông khiến giới trẻ yêu thích.
Dữ liệu từ nền tảng lắng nghe xu hướng mạng xã hội SocialHeat cho biết chủ đề Capybara thu hút hơn 210.9000 người tham gia, tạo ra gần 350.000 thảo luận và 4,7 triệu tương tác. Đó mảnh đất màu mỡ cho những người kinh doanh “bắt trend” (bán hàng theo xu hướng) với dãy sản phẩm chuột bông được tung ra giá từ 40.000 đồng đến 500.000 đồng tùy kích cỡ, mẫu mã và chất liệu.
Thống kê của nền tảng EcomHeat thuộc công ty dữ liệu thương mại điện tử YouNet ECI trụ sở tại TP HCM cho biết doanh thu chuột bông Capybara bán trên các sàn Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop tháng 5 đạt 2,7 tỷ đồng, bất ngờ tăng 225,9% so với tháng 4. Qua tháng 6, doanh thu đạt đỉnh đến 8,7 tỷ đồng.
Tính chung nửa đầu năm, chỉ riêng 17 shop bán chạy nhất trên các sàn đã tiêu thụ được hơn 63.000 con chuột bông, giá trị hơn 12,6 tỷ đồng. Trong đó, một gian hàng thuộc top 10 bán chạy trên cả Shopee và TikTok Shop thu về gần 940 triệu đồng từ việc bán hơn 5.800 con chuột bông Capybara. Sản phẩm này cũng chiếm gần 23% doanh thu toàn toàn gian hàng.
Theo chuyên gia, “trend” bán chuột bông này khác những mặt hàng xu hướng trước là được kích cầu thụ động lẫn chủ động. Từ lâu loài động vật này đã gây thiện cảm và có cộng đồng yêu thích sẵn có. Sản phẩm liên quan chúng như thú bông trở nên “hot” nhờ một số người nổi tiếng chụp cùng như Jennie (thành viên nhóm BlackPink) hay Sơn Tùng M-TP.
Nhà sản xuất và bán hàng một mặt ăn theo sự quan tâm này, mặt khác chủ động sáng tạo và dẫn dắt xu hướng khi liên tục tung ra các mẫu chuột bông mới và ngày càng nhân cách hóa chúng như Capybara chảy nước mũi, Capybara hồng hay Capybara đeo ba lô rùa.
Ngoài ra, nhà sản xuất còn biến tấu với chuột bông kèm chức năng như cặp sách, gối ôm, móc khóa và bán dưới dạng “hộp mù” (blindbox). Đây là hình thức sản phẩm mà người mua không biết chính xác hình dáng bên trong hộp đựng, giúp tăng độ tò mò và hứng thú săn mua phiên bản hiếm.
“Trend chuột bông Capybara cho thấy thị trường thương mại điện tử đã tiến lên một tầm cao mới trong việc áp dụng shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí)”, Đại diện YouNet ECI đánh giá.
Chị Lê Phương, một nhà bán hàng online tại TP Thủ Đức (TP HCM), cho biết chuột bông Capybara chủ yếu có xuất xứ từ Quảng Châu (Trung Quốc) và hàng mới về theo đợt đều đặn.
Các mẫu mới ngay lập tức được lan truyền nhiều dưới dạng video “unbox” (khui hộp) hay “review” (đánh giá) của cộng đồng các “influencer” (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) nên vẫn duy trì độ hút hàng cho chuột bông.
“Tuy nhiên, do nhiều người bán, độ cạnh tranh cao nên biên lợi nhuận chỉ dao động khoảng 20%”, chị nói.
Dỹ Tùng